Vào tối 25-3, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang công diễn suất đầu tiên vở cải lương Câu hò đất mẹ (tác giả: Nguyễn Thanh Bình; chuyển thể cải lương: Phạm Văn Đằng; đạo diễn: NSƯT Lê Trung Thảo; chỉ đạo nghệ thuật: NSƯT Phan Quốc Kiệt). Vở có sự tham gia biểu diễn của NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lê Hồng Thắm, NSƯT Lam Tuyền, NS Hà Như, Hồng Quyên, Hoài Nam…
Vở cải lương Câu hò đất mẹ là tác phẩm sân khấu đoạt giải A của Hội Sân khấu TPHCM năm 2022. Nội dung câu chuyện được khai thác từ những tình cảm thiêng liêng, sâu lắng và lãng mạn nhất trong những người hoạt động cách mạng. Đặc biệt, câu chuyện xoáy sâu vào cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh không màng gian khó, hiểm nguy của hai nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong.
Hình ảnh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị tòa án thực dân Pháp kết án tử hình lúc 31 tuổi, trước giờ thi hành án tử, chị nhớ quê hương, nhớ bậc sinh thành, nhớ đứa con bé bỏng chỉ mới một tháng tuổi đã phải rời xa bầu sữa để mẹ đi làm cách mạng, khiến khán giả rung động. Trong những giây phút lắng lòng ấy, người phụ nữ kiên trung nhớ đến chồng, người đồng chí, người chỉ huy Lê Hồng Phong với tất cả tình yêu thương hòa quyện với tình yêu đất nước, tình yêu quê hương xứ sở. Chị cũng nhớ nhiều những đồng đội đã cùng chị sẻ chia gian khổ, hy sinh... Những tình cảm riêng - chung của người chiến sĩ cộng sản, cũng là tình cảm của một người con, người vợ, người mẹ, người phụ nữ, người dân luôn khát khao độc lập cho quê hương, cùng hòa quyện để tạo nên những cảm xúc giản dị, chân thật và rất đỗi hào hùng, được thể hiện sâu sắc qua vở cải lương Câu hò đất mẹ.
Đảm nhận vai Lê Hồng Phong, NSƯT Lê Tứ đã thể hiện hoàn hảo nét mạnh mẽ, tinh thần quật cường, kiên trung. Bên vợ, người đồng đội Nguyễn Thị Minh Khai, khán giả lại thấy được một người chồng Lê Hồng Phong mẫu mực, ngọt ngào, yêu thương vợ con hết mực. Ấn tượng nhất có lẽ là cảnh NSƯT Lê Tứ thể hiện nội tâm Lê Hồng Phong kìm nén nỗi đau khi tận mắt chứng kiến vợ mình bị bọn thực dân và tay sai tra tấn dã man. Người xem cảm nhận được nỗi đau của nhân vật được thể hiện tinh tế, kiềm chế trong sự uất nghẹn.
Thủ vai Nguyễn Thị Minh Khai, NSƯT Lê Hồng Thắm đã xây dựng nên hình tượng một nữ chiến sĩ cách mạng hội đủ tâm, tài, đức; sự ngọt ngào, mềm mại của người phụ nữ luôn khát khao tình yêu thương gia đình, yêu chồng, thương con quá nhỏ dại không thể ở kề bên để mẹ chăm sóc. Tình yêu dành cho gia đình nhỏ và vĩ đại hơn là tình yêu quê hương đất nước cứ thế bao trùm cả tâm trí, con tim và cuộc sống của người nữ chiến sĩ cách mạng.
Để hai vai diễn chính trong vở cải lương đặc biệt ý nghĩa này hoàn thiện, chỉn chu và gây ấn tượng trên sân khấu còn có sự góp sức của các nghệ sĩ Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Đặc biệt, cách dàn dựng tươi mới, nhẹ nhàng, xoáy vào số phận con người, đẩy cao các tình huống cao trào, khéo léo khai thác tâm lý nhân vật gắn liền với các sự kiện lịch sử… của đạo diễn Lê Trung Thảo đã chạm được đến cảm xúc của khán giả. Ngoài ra, thêm tài năng xây dựng cảnh trí và hiệu ứng ánh sáng của nhà thiết kế sân khấu Trần Hồng Vân đã giúp vở Câu hò đất mẹ có không gian và ánh sáng đẹp, nội dung câu chuyện đậm chất truyền thống cách mạng nhưng dễ xem, dễ cảm, dễ đi vào lòng người.
Xem Câu hò đất mẹ, khán giả có được sự rung cảm, thêm trân trọng lịch sử và yêu kính những anh hùng dân tộc đã anh dũng hy sinh, đem lại độc lập và hạnh phúc cho thế hệ hôm nay.