Sáng 19-6, tại Sân vận động Quân khu 7 đã diễn ra lễ xuất quân tham gia chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 trên địa bàn TPHCM của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC.
Theo đó, 350 nhân viên y tế (bao gồm 100 bác sĩ, 200 điều dưỡng và 50 nhân viên hỗ trợ) của 10 trung tâm tiêm chủng VNVC trên địa bàn TPHCM đã ra quân tham gia chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 thần tốc của TPHCM, theo sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM.
Với 350 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên tham gia tiêm chủng, VNVC trở thành đơn vị đóng góp lực lượng đông nhất trong chiến dịch tiêm vaccine lần này, chiếm 100 đội trong tổng số 1.032 đội tiêm chủng.
Tất cả bác sĩ, điều dưỡng của VNVC đều có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ an toàn tiêm chủng và đều đã được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19. Tất cả nhân viên này cũng đã được đào tạo thành thục quy trình an toàn tiêm chủng và có kinh nghiệm trong việc tiêm chủng vaccine Covid-19.
Trong chiều nay (19-6), toàn bộ lực lượng tinh nhuệ của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tại TPHCM sẽ tham gia buổi tập huấn công tác tiêm chủng trực tuyến do Sở Y tế TPHCM tổ chức. Sau khi tập huấn, lực lượng nhân viên y tế VNVC sẽ tham gia vào đợt tổng tiêm chủng cho hàng triệu người dân của TPHCM.
Dự kiến sẽ triển khai tiêm trong vòng 5 ngày từ thứ hai đến thứ sáu (21 đến 25-6). Địa điểm tiêm chủng sẽ theo kế hoạch phân công của Sở Y tế TPHCM.
Phát biểu tại buổi lễ, chị Thái Thị Yến Nhi, Quản lý điều dưỡng vùng thuộc Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC Hoàng Văn Thụ xúc động bày tỏ: Chúng tôi tự hào vì VNVC đã mang vaccine về cho đất nước, nay VNVC tiếp tục đóng góp sức người, sức của tham gia chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 thần tốc của TPHCM. Chúng tôi sẽ nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiêm chủng an toàn.
Trước đó, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã có văn bản hỏa tốc để nghị các bệnh viện bộ-ngành, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, phòng khám tư… trên địa bàn TPHCM, mỗi đơn vị cử lực lượng để tổ chức các đội tham gia tiêm vaccine phòng Covid-19; đảm bảo mỗi đội tiêm có tối thiểu 3 nhân sự có trình độ chuyên môn theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế để thực hiện tiêm vaccine. Ngoài ra, cử thêm lực lượng hỗ trợ công tác hành chính (tiếp nhận, lập danh sách đối tượng tiêm, nhập liệu thông tin, cấp giấy xác nhận…).
Nhân viên y tế tham gia hoạt động tiêm chủng phải được tập huấn chuyên môn về tiêm chủng. Còn nhân viên trực tiếp khám sàng lọc, tư vấn, theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trở lên, nhân viên thực hành tiêm chủng có trình độ từ trung cấp y học hoặc trung cấp điều dưỡng - hộ sinh trở lên.
Không chỉ đóng góp sức người, sức của tham gia công tác tiêm chủng cho cán bộ tuyến đầu chống dịch và người dân TPHCM, VNVC còn trực tiếp tham gia tiêm chủng vaccine cho các điểm nóng Covid-19 như Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương… ngay từ những ngày đầu tiên triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Việt Nam. Đặc biệt, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tự hào là đơn vị đầu tiên và duy nhất ở thời điểm này đã nhập khẩu thành công 30 triệu liều vaccine Covid-19 về Việt Nam, kịp thời tiêm chủng cho các bác sĩ, nhân viên y tế và cán bộ tuyến đầu chống dịch ngay từ rất sớm, tạo nên phòng tuyến vững chắc cho công tác phòng chống dịch hiện nay. Hiện VNVC đã đưa về Việt Nam 405.200 liều vaccine Covid-19, đóng góp cho chiến dịch tiêm chủng vaccine, bảo vệ tuyến đầu chống dịch từ 8-3; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất về kho lạnh bảo quản vaccine, mở rộng số lượng trung tâm tiêm chủng, phát triển đội ngũ, hạ tầng công nghệ thông tin... để có thể tiếp nhận, bảo quản số lượng lớn vaccine, sẵn sàng chiến dịch tiêm chủng diện rộng cho cộng đồng theo chỉ đạo của Chính phủ. |