Đảng bộ Tập đoàn VNPT cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 6%-8%/năm; doanh thu từ dịch vụ số và công nghệ thông tin - truyền thông chiếm 24%-26% trong cơ cấu doanh thu; năng suất lao động bình quân tăng 7%/năm và tiền lương tăng 5%/năm, trong giai đoạn 2020 - 2025
Trong 2 ngày (15 và 16-8), tại Hà Nội, Đảng bộ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt (VNPT) đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Đại hội đã đánh giá kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 – 2025 với sự tham dự của 208 đại biểu đại diện cho 3.637 đảng viên thuộc 26 đảng bộ, chi bộ trực thuộc. Tham dự đại hội có các đồng chí: Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương; Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT-TT.
Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương trao tặng Cờ thi đua của Đảng ủy khối cho Đảng bộ Tập đoàn VNPT vì đã đạt thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ 2015-2020
Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tập đoàn VNPT lần thứ XXIV diễn ra trong thời điểm toàn Tập đoàn VNPT thi đua sôi nổi kỷ niệm 75 năm truyền thống ngành Bưu điện. Đại hội có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần khẳng định chặng đường 5 năm Tập đoàn tái cấu trúc thành công theo Quyết định 888/QĐ-TTg ngày (10-6-2014) và Quyết định 2129/QĐ-TTg ngày (29-12-2017) của Thủ tướng Chính phủ, đánh dấu sự thay đổi toàn diện của Tập đoàn về mô hình tổ chức, nhân lực, quản trị chiến lược, quản trị kinh doanh, cơ chế kinh tế, cải cách hạ tầng, quản trị mạng lưới và chuyển đổi số. Đây cũng là giai đoạn bản lề then chốt đối với Tập đoàn VNPT trong việc triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn 2030; quyết liệt đổi mới để phát triển nhanh và bền vững đi đôi với bảo đảm chất lượng; khẳng định vị thế chủ lực của VNPT trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với đất nước.
Báo cáo tại đại hội cho biết, các chỉ tiêu quan trọng về sản xuất kinh doanh của VNPT đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XXIII đã được hoàn thành và tăng trưởng vượt mức.
Cụ thể, tăng trưởng lợi nhuận bình quân 16,63%/năm (chỉ tiêu đề ra là 15%/năm), tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 11,3% (chỉ tiêu đề ra là 10%), thu nhập bình quân tăng trưởng 11,28%, tốc độ tăng trưởng nộp ngân sách Nhà nước bình quân hoàn thành kế hoạch.
Bên cạnh nhiệm vụ tiếp tục tái cơ cấu lại tập đoàn, Đảng ủy Tập đoàn đã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và khẳng định vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số quốc gia. VNPT đã khẳng định vị thế là doanh nghiệp tiên phong: Tham gia thiết lập các hạ tầng số, xây dựng các nền tảng số ở quy mô quốc gia, như Trục liên thông văn bản quốc gia, cổng dịch vụ công quốc gia, trung tâm điều hành thông minh IOC. VNPT cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với 11 bộ, ngành; 16 doanh nghiệp lớn và 53 UBND tỉnh/thành phố để triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh...
Các đại biểu tham gia Đại hội tham quan khu giới thiệu các sản phẩm dịch vụ, giải pháp CNTT và viễn thông của Tập đoàn VNPT
Trong giai đoạn 2015 – 2020, Tập đoàn VNPT không ngừng triển khai các giải pháp nhằm duy trì và mở rộng quy mô khách hàng. Tính đến 31-12-2019, so với cuối năm 2015, thị phần dịch vụ di động của VNPT đạt 25,27%, tăng 4,27%; dịch vụ băng rộng đạt 5,7 triệu thuê bao, tăng 2,5 triệu thuê bao; dịch vụ truyền hình đạt 1,6 triệu thuê bao, tăng 0,6 triệu thuê bao. Doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) đạt được tốc độ tăng trưởng đột phá đạt 64,1%/năm.
Năng lực tài chính của Tập đoàn tiếp tục được tăng cường, tình hình tài chính lành mạnh, dòng tiền được điều hành tốt, hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, đặc biệt: Tốc độ tăng doanh thu bình quân đạt 6,53%/ năm; Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân đạt 16,63%/năm; Thu nhập bình quân tăng trưởng 11,28%/năm/ người.
Năm 2019, VNPT lọt Top 10 doanh nghiệp có năng lực công nghệ mới tiêu biểu nhất của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Theo kết quả đo kiểm Speedtest của Tổ chức Ookla, VNPT được đánh giá là nhà mạng có tốc độ 3G/4G số 1 Việt Nam và có tốc độ Internet nhanh nhất tại Việt Nam, là một trong những nhà mạng có số thuê bao chuyển đến MNP dương nhiều nhất.
Theo Brand Finance, giai đoạn 2016-2020 Thương hiệu VNPT và Vinaphone luôn trong Top 10 Thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Năm 2020 giá trị thương hiệu của VNPT tăng từ vị trí 72 năm 2019 lên vị trí 55, thương hiệu VinaPhone tăng từ vị trí 119 lên vị trí 106 trong 150 Thương hiệu Viễn thông lớn nhất trên thế giới. Trong vòng 5 năm từ 2016 - 2020, giá trị thương hiệu của VinaPhone đã tăng 167%.
Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn VNPT khóa XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ra mắt Đại hội
Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Tập đoàn VNPT đã đề ra các mục tiêu: Đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của cấp ủy, xây dựng Đảng bộ Tập đoàn trong sạch, vững mạnh; phát triển doanh nghiệp hiệu quả; khẳng định vai trò chủ lực, dẫn dắt của trong chuyển đổi số tại Việt Nam.
Đảng bộ đề ra các chỉ tiêu cụ thể, tăng trưởng doanh thu bình quân/năm đạt 5%-7%; tăng trưởng lợi nhuận 6%-8%/năm; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tăng 5%/năm; đặc biệt doanh thu từ dịch vụ số và công nghệ thông tin-truyền thông đạt 24%-26% trong cơ cấu doanh thu; năng suất lao động bình quân tăng 7%/năm và tiền lương tăng 5%/năm.
Đảng bộ VNPT phấn đấu đạt trên 80% tổ chức đảng xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và 95% đảng viên xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; kết nạp từ 500 đảng viên mới trở lên.
Đại hội cũng đã bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025 với 28 đồng chí. Đồng chí Phạm Đức Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn được Đại hội tín nhiệm bầu là Bí thư Đảng ủy Tập đoàn VNPT nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát biểu bế mạc Đại hội, đồng chí Phạm Đức Long nhấn mạnh: “Đảng bộ Tập đoàn VNPT nhận thức được rằng: đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của cấp ủy, xây dựng Đảng bộ Tập đoàn trong sạch, vững mạnh là yếu tố mang tính quyết định nhằm phát huy sức mạnh đột phá, phát triển Tập đoàn ngày một lớn mạnh, gia tăng sức cạnh tranh và hiệu quả quản trị, từ đó nâng tầm vị thế trụ cột và dẫn dắt của Tập đoàn trong hành trình Chuyển đổi số quốc gia”.
Các sản phẩm dịch vụ CNTT của VNPT đã hiện diện ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Trong đó, phần mềm VNPT-iOffice đã triển khai cho 4.320 đơn vị sử dụng; phần mềm VNPT-iGate đã triển khai trên địa bàn 36 tỉnh. Phần mềm VNPT-eCabinet đã triển khai chính thức tại 29 đơn vị. Triển khai Trung tâm điều hành thông minh IOC cho các tỉnh Lâm Đồng, Hà Nam, Kiên Giang, Bình Phước và xúc tiến triển khai tại 20 tỉnh trọng điểm; triển khai giải pháp Du lịch thông minh cho 50 tỉnh/tp. Triển khai VNPT-HIS cho 7.208 cơ sở y tế; dịch vụ vnEdu triển khai tại 63/63 tỉnh/Tp, có 12.185 trường học sử dụng, 6,2 triệu hồ sơ học sinh, gần 500 nghìn hồ sơ giáo viên; Dịch vụ Pharmacy triển khai chính thức 4.446 nhà thuốc, thử nghiệm 6.733 nhà thuốc; dịch vụ hóa đơn điện tử đạt doanh thu 78,24 tỷ đồng, tăng trưởng 174,5% so với năm 2018. Năm 2020, ứng dụng NCOVI do VNPT xây dựng đã giúp người dân khai báo y tế đồng thời cập nhật thông tin nhanh chóng về dịch bệnh Covid-19. |
TRẦN LƯU