VNPT cần đầu tư sáng tạo, phát triển các ứng dụng số, làm chủ hạ tầng số

Năm 2023, tổng doanh thu Tập đoàn VNPT đạt 54.856 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 4.468 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 3.849 tỷ đồng. 

Tại Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch năm 2024. Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh tham dự hội nghị.

toan-canh-hoi-nghi-8459.jpg
Quang cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả Tập đoàn VNPT đã được trong năm 2023; đồng thời cho rằng, kinh tế, xã hội phát triển cần có hạ tầng mới, hạ tầng số. Tuy nhiên, các nhà mạng lại chưa đầu tư xây dựng hạ tầng số. Trong khi đó, không gian cũ đã hết dư địa, doanh thu dịch vụ truyền thống ngày càng suy giảm… Do vậy, VNPT cần nhận lấy trách nhiệm xây dựng hạ tầng phát triển Việt Nam.

“VNPT cần đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành và các lĩnh vực. Đây cũng chính là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. VNPT từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp khác”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

bo-truong-bo-tttt-nguyen-manh-hung-phat-bieu-tai-hoi-nghi-941.jpg
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị

Với tinh thần vượt mọi thách thức, quyết liệt đổi mới sáng tạo cùng sự đồng tâm, hiệp lực, toàn thể cán bộ công nhân viên Tập đoàn VNPT đã vượt qua một năm 2023 đầy khó khăn để tạo nên sự thay đổi về chất và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao với nhiều dấu ấn đáng ghi nhận.

Cụ thể, năm 2023, tổng doanh thu Tập đoàn VNPT đạt 54.856 tỷ đồng, đạt 98,2% kế hoạch; lợi nhuận toàn tập đoàn đạt 4.468 tỷ đồng, đạt 100,8% kế hoạch. Trong đó lợi nhuận công ty mẹ là 2.824 tỷ đồng, đạt 101,4% kế hoạch. Trong năm 2023 VNPT nộp ngân sách Nhà nước 3.849 tỷ đồng, đạt 112,7% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của tập đoàn đạt 6%.

VNPT luôn đảm bảo 100% việc làm và thu nhập ổn định ở mức khá cho người lao động trong mặt bằng chung của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Tình hình tài chính của Tập đoàn VNPT luôn lành mạnh, dòng tiền được quản lý và sử dụng hiệu quả đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ bản của tập đoàn và các đơn vị, không để phát sinh các khoản nợ phải trả quá hạn, vốn của tập đoàn được bảo toàn và phát triển.

minh-hoa-giai-phap-cntt-310.jpg
Trung tâm điều hành thông tin tỉnh Kiên Giang do Tập đoàn VNPT phát triển

Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT chia sẻ, trong bối cảnh thị trường đầy khó khăn, các dịch vụ cốt lõi như di động, băng rộng, MyTV là những dịch vụ phải đối mặt với nhiều thách thức nhất; song VNPT vẫn giữ vững được thị phần. Trong đó, dịch vụ băng rộng và dịch vụ truyền hình chiếm vị trí số 1 về thị phần. Ở lĩnh vực cung cấp dịch vụ số doanh nghiệp và chính phủ số, VNPT tiếp tục nhận được sự được sự tin tưởng của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Nhiều sản phẩm số của VNPT được đưa ra thị trường từ năm 2022 thì trong năm 2023 đã tạo được sự lan tỏa.

tong-giam-doc-vnpt-huynh-quang-liem-phat-bieu-tai-hoi-nghi-1221.jpg
Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm phát biểu tại hội nghị

Trong năm 2023, VNPT tiếp tục nhận được sự tin tưởng của các bộ, ngành, địa phương khi chọn VNPT làm đối tác trong triển khai chuyển đổi số. Điển hình như, thỏa thuận hợp tác chiến lược với Bộ Công an đã đánh dấu sự tham gia chính thức của VNPT trong các dự án chuyển đổi số lĩnh vực quản lý dân cư quốc gia. Tiếp đó, VNPT cũng đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lựa chọn làm đối tác trong thực hiện chuyển đổi số ngành kiểm sát nhân dân sau khi triển khai thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức viên chức; tháng 3-2023, VNPT đã thúc đẩy triển khai phần mềm VNPT CCVC 3.0 tại các bộ, ngành, địa phương. Sau 9 tháng, sản phẩm VNPT CCVC 3.0 đã triển khai cho 42 tỉnh/thành phố, 21 bộ ban ngành, quản lý 1,6 triệu CBCCVC trên toàn quốc, chiếm thị phần 66%....

Năm 2023, hạ tầng CNTT của VNPT có hướng đột phá và mở rộng. VNPT đã khai trương Trung tâm dữ liệu (IDC) thứ 8 của mình tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Đây cũng là IDC có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay. Việc khai trương IDC Hòa Lạc là minh chứng cho khát vọng của VNPT trong việc đồng hành cùng Chính phủ xây dựng hạ tầng số hiện đại, đạt chuẩn quốc tế để dữ liệu Việt Nam được lưu trữ và xử lý tại Việt Nam theo định hướng của Chính phủ và Bộ TT-TT. Cùng với IDC Hòa Lạc, hiện VNPT đang sở hữu 8 trung tâm dữ liệu tại các tỉnh, thành phố lớn, gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM.

khai-truong-idc-hoa-lac-1-6435.jpeg
Trung tâm dữ liệu (IDC) thứ 8 của VNPT tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Bằng việc làm chủ các nền tảng công nghệ 4.0 như AI, BigData, IoT, điện toán đám mây…, VNPT đã “thông minh hóa” sản phẩm cung cấp cho các khách hàng. Nhờ đó, 15 sản phẩm dịch vụ cốt lõi của VNPT được chuẩn hóa/nâng cấp và đưa ra thị trường. VNPT đã tập trung phát triển các nền tảng, hệ sinh thái nền tảng, sản phẩm chuyển đổi số cho doanh nghiệp, chuyển đổi các dịch vụ viễn thông truyền thống thành các nền tảng cốt lõi phát triển hệ sinh thái dịch vụ số cá nhân cho hộ gia đình thông qua việc tích hợp dịch vụ số, dịch vụ nội dung, tài chính số, truyền hình, tiện ích số…

minh-hoa-san-pham-3361.jpg
Sản phẩm công nghệ số của VNPT đang được triển khai rộng rãi

Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm chia sẻ, năm 2024, Tập đoàn VNPT sẽ tối ưu hóa nguồn lực, thay đổi toàn diện hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, nghiên cứu ứng dụng thêm nhiều công nghệ mới để tạo ra các các sản phẩm số mới giúp VNPT tăng năng lực cạnh tranh, khẳng định những bước đi vững chắc của VNPT trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục