Thị trường Việt Nam đặc biệt am hiểu công nghệ
Đến năm 2019, hơn 65% dân số Việt sử dụng Internet và hơn 85% người Việt sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại thông minh, cao hơn trung bình toàn thế giới và nhiều nước khác trong cùng giai đoạn phát triển. Theo ông Minh, trong 4 năm tới, tỉ lệ người dùng Internet tại Việt Nam sẽ chạm mức 80%, tức là hơn 80 triệu dân. Điều đó cho thấy nhu cầu sử dụng công nghệ của người Việt Nam rất cao và tăng trưởng nhanh.
Ông Minh cho rằng, đạt được điều này là nhờ vào giá thành Internet và giá điện thoại thông minh ở Việt Nam khá thấp. Ông ước tính mỗi năm, một người Việt chi tiêu trung bình 2,5 triệu đồng cho điện thoại thông minh và gói cước Internet, chiếm khoảng 5% GDP bình quân đầu người. “Cho một thiết bị thiết yếu như điện thoại thông minh thì chi phí đó là khá thấp”, ông Minh đánh giá. “Thậm chí, tôi tin rằng Việt Nam còn là nơi có cước phí Internet gần như thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.”
Khi so sánh thị trường Việt Nam với những thị trường lớn hơn trong khu vực như Indonesia, ông Minh khẳng định thế mạnh của ta nằm ở “chiều sâu” của thị trường. “Các công ty công nghệ của Việt Nam đều có vị thế nhất định. Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á sở hữu ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội riêng (Zalo). Theo những gì tôi thấy, nhiều công ty Internet trong khu vực đánh giá rất cao khả năng của các công ty Việt Nam.”
Các công ty Internet đang “xâm lấn” sang thị trường offline
“Thời buổi của các ứng dụng online đang dần khép lại”, ông Minh nhận xét. Trong quá khứ, tầm ảnh hưởng của các công ty Internet được đánh giá qua số lượng người dùng. Nếu so với các “ông lớn”, thì Grab hay Shopee không thể đuổi kịp về vị thế online. Tuy nhiên, chính họ mới là những nhân tố lớn góp phần thay đổi thị trường bán lẻ, vận chuyển, xuất nhập khẩu và giao dịch ngân hàng. Cơ hội lớn cho ngành công nghệ nằm ở các sản phẩm tác động trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày của người tiêu dùng.
Đơn cử trong thị trường thanh toán điện tử, ông Minh cho biết: “Trong 5 năm nữa, thị trường thanh toán điện tử Việt Nam có thể tiếp nhận hơn 40 triệu giao dịch một ngày, gấp 40 lần tổng giao dịch của hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay”.
“Đây chính là động lực thôi thúc VNG tiếp tục sáng tạo và phấn đấu, dù chúng tôi đã hoạt động trong ngành Internet hơn 15 năm. Trong 5 năm tiếp theo, VNG định hướng trở thành một trong những đơn vị đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực thanh toán điện tử, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.”
Thiếu hụt nhân lực là thách thức lớn nhất
Để hiện thực hóa tiềm năng trong những năm tới, ngành công nghệ Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, mà trên tất cả vẫn là vấn đề thiếu hụt nhân lực.
“Việt Nam cần thêm những người thực sự muốn cống hiến cho bước nhảy công nghệ của nước nhà”, ông Minh chia sẻ. Tỉ lệ người làm trong ngành công nghệ ở Viêt Nam là dưới 1%; tại Singapore là hơn 4%. Thiếu hụt nhân sự khiến doanh nghiệp không bắt kịp nhu cầu sử dụng công nghệ của người tiêu dùng. Ban lãnh đạo cũng chưa kiên quyết đầu tư vào các giải pháp công nghệ, vì hiệu quả thu được chỉ thấy rõ sau khoảng thời gian nhất định.
Với tư cách là CEO của VNG, ông Minh mong muốn thu hút nhân tài toàn cầu trở về cống hiến cho ngành công nghệ Việt Nam. VNG đã và đang tổ chức nhiều buổi giao lưu gặp gỡ với các tri thức người Việt đang công tác ở nước ngoài. Theo ông Minh, các sự kiện này nhằm “truyền lửa cho các nhân tài Việt, để các bạn có hứng thú tham gia vào thị trường công nghệ nước nhà. Dù bạn làm ở vị trí gì, kĩ sư, giáo viên hay chuyên gia nghiên cứu vĩ mô, chúng tôi đều cần bạn.”
Kết thúc bài phát biểu, ông Minh chân thành chia sẻ: “Thị trường công nghệ Việt Nam quả thật vô cùng sôi động. Mỗi ngày bạn thức dậy, bạn lại nhìn thấy những cơ hội mới, những niềm vui mới. Dù điều kiện thực tế ở Việt Nam còn nhiều điều không thuận lợi, nên bạn thật sự phải đam mê, yêu mến đất nước, công việc ở nơi đây thì mới có thể trụ vững và phát triển”. |