Ở các vùng quê, tâm lý “trọng nam khinh nữ” thể hiện rất rõ nét. Thế nhưng, điều kỳ lạ là một số nơi đã có sự chuyển hóa mạnh mẽ, theo chiều hướng tích cực. Mới đây, chị Thanh Mai (Hải Hậu, Nam Định) hào hứng chia sẻ câu chuyện của mình. “20 năm về trước, lúc đó tôi chuẩn bị vào đại học, nhà tôi một bề 3 chị em gái khiến dòng họ chê cười. Nhưng nay, mọi người xúm lại chúc mừng bố mẹ tôi. Ai cũng bảo ông bà có phước lắm con gái mới chăm ngoan, thành đạt như vậy. Chưa kể, nhiều gia đình còn đua nhau tìm cách đẻ con gái. Vui lắm!”, chị Thanh Mai tâm sự. Vừa rổn rảng câu chuyện với khách, chị Mai vừa nhận “đặt cọc” con dâu với mấy người bạn sinh một bề con trai. Vì chị Mai có 2 cô con gái sinh đôi xinh xắn.
Không nói đâu xa, ở một tỉnh xa xôi của Tây Nguyên như Đắk Nông, tâm lý sinh con nối dõi tông đường của người dân nơi đây cũng đang phai nhạt dần. “Vùng quê này còn nghèo, trình độ dân trí chưa phát triển, trước đây gia đình nào cũng mong có mụn con trai nối dõi tông đường. Nhưng nay, chẳng ai có suy nghĩ này, vì thực tế đã chứng minh điều ngược lại”, chị Hoàng Thị Minh Liên, người dân sống tại khu vực xóm Sỏi, thị trấn Eatling, huyện Cư Jút (Đắk Nông), tâm sự. Điểm qua hơn chục hộ gia đình từng “mót” con trai của hơn 20 năm trước ở địa bàn này thì thấy, phần lớn con gái đều ngoan ngoãn, trưởng thành tử tế; ngược lại, các cậu “quý tử” được cưng chiều nên quậy phá tung trời, khiến phụ huynh điêu đứng.
Mới đây, Thống kê từ Cục Dân số kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho thấy, tỷ số chênh lệch giới tính, sinh nam nhiều hơn nữ, tiếp tục tăng nhanh. Như năm 2018, tỷ lệ giới tính khi sinh là 115 bé trai trên 100 bé gái, tăng 3% so với năm 2017, trong khi mức chuẩn sinh học khoảng 105 bé trai trên 100 bé gái chào đời. Theo đó, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính này tăng cao, nhiều khả năng đến năm 2050, nước ta có khoảng 4 triệu nam giới ế vợ. Từ đó kéo theo muôn vàn hệ lụy.
Con nào cũng yêu
Tại một chung cư mới xây gần Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12), hàng xóm quanh đó đều rất thán phục cặp vợ chồng trẻ với 4 “công chúa” xinh xắn, đáng yêu. Đều đặn ngày nào hai vợ chồng này cũng luân phiên đưa 4 con từ 3-12 tuổi tới trường. “Mặc kệ sự quan tâm thái quá của hàng xóm, nhà mình vẫn vui vẻ, hạnh phúc với các nàng “vịt giời”. Có con là quý rồi. Tại sao mọi người không nghĩ phải chăm sóc, nuôi nấng chúng trưởng thành, thay vì soi xét giới tính nhỉ?”, chị Ngọc Hoa, mẹ của 4 cháu nhỏ nói.
Sống trong căn nhà nhỏ, xinh xắn giáp ranh huyện Hóc Môn (TPHCM) với tỉnh Long An, ông Lê Văn Vũ, được nhiều bà con quý trọng, bởi ông có tới 4 cô con gái thành đạt. Năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng ông Vũ và vợ vẫn tự tay chăm sóc luống rau sạch quanh nhà, cắt tỉa cây kiểng… Nhớ lại những năm tháng khó khăn về trước, ông Vũ cho biết, vất vả vô cùng nhưng được tự chăm sóc gia đình nhỏ của mình, thấy các con chăm ngoan là vui rồi. Thực ra, con nào cũng quý, cũng yêu hết, vấn đề chính là việc giáo dục, rèn luyện các con trở thành người hữu ích cho xã hội mới là điều quan trọng. Ông hóm hỉnh nói rằng: “Hai vợ chồng già còng lưng nuôi vợ thằng khác, nhưng hạnh phúc lắm”.
“Nhắc lại chuyện xưa để trân trọng chuyện ngày nay. Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng biết, hoặc đôi lần được nghe về 5 cô gái họ Đặng nổi tiếng, con gái của Giáo sư Đặng Thai Mai. Tôi trưởng thành qua câu chuyện mà bố tôi kể lại”, chị Hồ Thanh Hân, hiện làm giáo viên tại TPHCM, chia sẻ về chính câu chuyện của mình. Gần 40 năm trước, chị được sinh ra để trở thành cô “vịt giời” thứ 5 của một gia đình nghèo gốc miền Trung. Bố chị Thanh Hân là người ham học, ông luôn kể về các tấm gương liệt nữ, những danh nhân nữ cho các con gái nghe. Chị em nhà chị Hân sau này đều trưởng thành, người làm bác sĩ, giáo viên, kỹ sư…
Nỗi ám ảnh “lũ vịt giời, bé thì ăn hại, lớn thì bay đi” của các cô con gái sinh trong gia đình toàn chị em nữ đang dần tan biến. Ngày nay, xã hội hiện đại cùng tư tưởng nhân văn đã và đang phát huy tác dụng, bào mòn tư tưởng lạc hậu “trọng nam” của bao người. Chưa kể, các gia đình còn có tâm lý đua nhau sinh con gái. Mà cũng đúng thôi, nếu không kịp thay đổi, chính những bậc cha mẹ đã vô tình đẩy con mình đến chỗ độc thân, khó kiếm ý trung nhân, hay nói một cách dân gian là “ế bền vững”.