Vinh quang thầm lặng 2024 - Chương trình tôn vinh ngành cơ yếu Việt Nam

Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Vinh quang thầm lặng 2024" tôn vinh những thành tựu và cống hiến của ngành cơ yếu Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam và phong trào quốc phòng toàn dân do Ban Cơ yếu Chính phủ chỉ đạo nội dung sẽ diễn ra tối 6-9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

vinhquangthamlang-1-3064.jpg
Vinh quang thầm lặng 2024 - chương trình tôn vinh ngành cơ yếu Việt Nam

Với ba chương Sứ mệnh lịch sử; Những chiến công thầm lặng; Hành trình vinh quang, chương trình Vinh quang thầm lặng 2024 kết hợp giữa âm nhạc, múa, thơ ca, phóng sự, giao lưu cùng các thủ pháp sân khấu hiện đại, tạo nên một bức tranh trọn vẹn, đầy cảm xúc để nêu bật hành trình gần 80 năm đầy ắp những thành tựu rất đáng tự hào, đầy vinh quang nhưng cũng hết sức thầm lặng mà cán bộ, chiến sĩ trong ngành miệt mài cống hiến suốt lịch sử hình thành và phát triển.

Âm nhạc và nghệ thuật của chương trình do đạo diễn - NSND Lê Chức làm cố vấn. Phần âm nhạc được sản xuất riêng cho chương trình và điều quan trọng là những tác phẩm này vừa mang âm hưởng của ngày xưa ấy và có cả nét mới của âm nhạc hôm nay. Âm nhạc và nghệ thuật có sự hòa quyện, tạo nên mạch nối nghệ thuật xuyên suốt chương trình, góp phần lan tỏa lòng yêu nước, tinh thần, sức mạnh của người làm công tác cơ yếu.

Các ca sĩ Tùng Dương, Minh Quân, Vũ Thắng Lợi, Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Ngọc Anh, Ngọc Ký, Viết Danh, Minh Đức, Lê Anh… sẽ mang đến chương trình những tác phẩm phẩm nổi tiếng, sống mãi với thời gian như: Một đời người một rừng cây (Trần Long Ẩn), Linh thiêng Việt Nam (Lê Quang), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người (Trần Kiết Tường), Khát vọng (Phạm Minh Tuấn)…

Ngày 29-8, chia sẻ với báo chí, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Trưởng Ban Tổ chức chương trình cho biết, toàn bộ nội dung, kịch bản của chương trình đều có ý nghĩa cả về nghệ thuật và tính nhân văn. Vì đặc thù của nhiệm vụ cơ mật trọng yếu cho nên ngay cả những chiến công của ngành cơ yếu dường như cũng được “mã hóa” và hiếm được vinh danh.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay, toàn ngành cơ yếu Việt Nam có gần 1.000 liệt sĩ, trong đó, nhiều tấm gương đã hy sinh anh dũng để bảo đảm an toàn tuyệt đối tài liệu, kỹ thuật mật mã không để rơi vào tay địch.

Tin cùng chuyên mục