Vĩnh Long: Từ hát bội đình làng đến thương hiệu du lịch

Theo bước chân người khẩn hoang, lập ấp, hát bội đã trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu ở Nam bộ xưa. Ở Vĩnh Long cũng vậy, cứ vào mỗi dịp cúng đình, hát bội lại được người dân lựa chọn để “ôn cố tri tân” và giải trí sau một mùa vụ bội thu. Ngày nay, bên cạnh việc lưu giữ, bảo tồn, hát bội còn được ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT-DL) Vĩnh Long tăng cường quảng bá, để trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh nhà.
Vĩnh Long: Từ hát bội đình làng đến thương hiệu du lịch

Theo bước chân người khẩn hoang, lập ấp, hát bội đã trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu ở Nam bộ xưa. Ở Vĩnh Long cũng vậy, cứ vào mỗi dịp cúng đình, hát bội lại được người dân lựa chọn để “ôn cố tri tân” và giải trí sau một mùa vụ bội thu. Ngày nay, bên cạnh việc lưu giữ, bảo tồn, hát bội còn được ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT-DL) Vĩnh Long tăng cường quảng bá, để trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh nhà.

Hát bội đình làng

Hát bội là môn nghệ thuật được lưu truyền từ miền Trung vào, còn gọi là tuồng. Theo nhà văn Sơn Nam trong Thuần phong mỹ tục Việt Nam: “Hát bội phải gắn với tế lễ. Nếu tế lễ là lời cầu nguyện được ban phước, dân làng hứa tuân thủ kỷ cương, giữ thuần phong mỹ tục thì hát bội phải minh họa những lời hứa ấy bằng hình tượng cụ thể...Tế lễ mà thiếu hát bội và phần mở đầu là xây chầu quả là thiếu sót lớn”. Qua đó, ta thấy hát bội là hình thái văn nghệ có mặt thường trực, gần gũi trong các đình làng Nam bộ.

Ngày xưa, ở mỗi làng, xã đều có đình, hàng năm thường diễn ra những cuộc tế lễ cầu cho quốc thái dân an, với các nghi thức: lễ thỉnh sinh, thỉnh sắc, lễ yết tế, lễ dâng hương... Nhưng để lễ hội thêm phần linh đình và góp vui cho dân chúng, ban tổ chức thường thêm vào tiết mục hát bội. Chính vì vậy, hát bội ở miền Nam phát triển khá mạnh và ngày càng khẳng định giá trị truyền thống.

Tái hiện khung cảnh đốt đuốt đi coi hát bội

Hát bội trong lễ cúng đình gồm 2 phần: phần xây chầu và phần hát biểu diễn. Theo các bậc cao niên, trong nghề hát bội, hát xây chầu là khó nhất, ngoài không khí trang nghiêm của buổi lễ, những vị chức sắc mặc áo lễ, đóng khăn chỉnh tề, các nghệ nhân hát bội phải trình diễn được quá trình hình thành vũ trụ như: khai thiên tịch địa, xang nhật nguyệt, tam hiền, tứ thiên vương, ngũ hành và gia quan tấn tước.

“Giám sát” nghệ nhân là người cầm chầu - thường là ông Cả trong làng. Nghệ nhân hát đúng thì người cầm chầu đánh một tiếng “thùng”. Hát giỏi thì được thưởng ba, bốn tiếng “thùng”. Hát sai thì người cầm chầu gõ một tiếng “cắc” rất mạnh vào thành trống khiến họ lúng túng. Sau buổi diễn, ông bầu và ông “thầy tuồng” phải đến nhận lỗi với ông Cả, cho nên gánh hát bội nào được mời về “hát xây chầu” thì xem đó là một vinh dự lớn.

Phần hát biểu diễn, diễn ra sau lễ cúng, thường được tổ chức ở võ ca hoặc sân đình. Mỗi buổi diễn thường hát những lớp tuồng dài hơi, mang tính kinh điển như: Tống tửu Đơn Hùng Tín, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ, Tam Tạng thỉnh kinh, Thuyết Đường, San hậu… Nội dung các vở diễn luôn mang mục đích giáo dục, đề cao nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, đạo lý làm người, thường kết thúc có hậu và răn dạy người đời: ở hiền gặp lành, gieo nhân nào hưởng quả ấy.

Đến thương hiệu du lịch

Có thể khẳng định, hát bội là nghệ thuật truyền thống, là nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt, được xem như là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống của người dân, cũng như trong các lễ cúng, tế ở đình làng Nam bộ xưa.

Nhằm phát huy giá trị và quảng bá môn nghệ thuật hát bội đến với công chúng, từ đó tạo dựng thương hiệu cho nghệ thuật hát bội Vĩnh Long, mà ít địa phương nào có được, năm 2016 Sở VH-TT-DL Vĩnh Long đã mạnh dạn đưa ra ý tưởng biểu diễn thử nghiệm nghệ thuật hát bội phục vụ du lịch và kết quả thu được sau 3 lần tổ chức đã đáp ứng sự kỳ vọng của lãnh đạo ngành du lịch tỉnh nhà.

Cụ thể, vào trung tuần tháng 9, sở phối hợp với Đoàn tuồng cổ Đồng Thinh trình diễn 2 buổi hát bội tại di tích Công Thần miếu (TP Vĩnh Long) cho trên 100 doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên du lịch trên cả nước xem. Qua thăm dò ý kiến, có trên 80% ý kiến tán đồng đưa hát bội vào khai thác du lịch.

Đặc biệt, đêm 18-12-2016, sở tiếp tục phối hợp Đoàn tuồng cổ Đồng Thinh “lấy” nghệ thuật hát bội mang ra “chiêu đãi” đoàn khách du lịch quốc tế 50 người đến từ Pháp tại đình An Thành (huyện Long Hồ).
Tại đây, khung cảnh đốt đuốc đi coi hát bội của người dân Nam bộ xưa được tái hiện bên cạnh trích đoạn Tiết Giao đoạt ngọc do các Nghệ nhân ưu tú: Vũ Linh Tâm, Huỳnh Yến Linh, Thanh Nhàn…thủ vai đã nhận được sự tán thưởng của đoàn du khách Pháp cả về giá trị nội dung lẫn phong cách thể hiện.

Vừa chăm chú xem các nghệ nhân biểu diễn, bà Claudine - du khách Pháp vừa phấn khởi bày tỏ cảm xúc: “Lần đầu tiên coi nghệ thuật hát bội của Việt Nam tôi rất thích và mong rằng có điều kiện sẽ trở lại Việt Nam một lần nữa, để tiếp tục thưởng thức những loại hình nghệ thuật độc đáo của nước bạn”.

Bà Josette, một du khách Pháp khác lại thích những điệu múa của Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm. Kết thúc buổi diễn, bà Josette không quên nhờ nghệ nhân Vũ Linh Tâm chỉ dẫn cách cưỡi ngựa phi nước đại và cách múa tay, múa chân của nghệ thuật hát bội, bà Josette nói: “Được cùng với đoàn du khách Pháp đến đình An Thành xem hát bội, tôi rất hài lòng, các nghệ nhân hát, múa rất hấp dẫn”. Bà Josette cũng hứa, sẵn sàng quay lại Việt Nam xem hát bội thêm nhiều lần nữa.

Du khách Pháp chụp ảnh lưu niệm với các nghệ nhân hát bội

Song đây chỉ là thành công bước đầu, để hát bội thực sự trở thành sản phẩm đặc trưng của du lịch Vĩnh Long, tạo sự khác biệt với các tỉnh khác trong khu vực, ông Nguyễn Thanh An, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, cho biết: “Thời gian tới, sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tiếp tục duy trì và đưa hát bội phục vụ công chúng. Mời các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên du lịch trong khu vực và TPHCM đến xem, góp ý cho chương trình, nội dung vở diễn, để vở diễn được hoàn chỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức của du khách, nhất là du khách nước ngoài”.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Nguyễn Thanh An, sở phối hợp với các đoàn văn nghệ sĩ sáng tác, dàn dựng kịch bản mới, phản ánh lịch sử Việt Nam, của địa phương, chú trọng thể hiện tính đặc thù của vùng đồng bằng sông nước, để tạo ấn tượng sâu sắc và thu hút nhiều du khách đến với Vĩnh Long trong thời gian tới.

Hy vọng với những cách làm bài bản của ngành VH-TT-DL Vĩnh Long, sau đờn ca tài tử, nghệ thuật hát bội nhanh chóng trở thành sản phẩm đặc trưng, có “thương hiệu” của du lịch Vĩnh Long, góp phần cho du lịch tỉnh nhà từ ngành kinh tế quan trọng thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Ông Trương Quang Phú, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Vĩnh Long, khẳng định: “Hát bội hay lắm, nên phải phát huy nó. Phát huy bằng cách đưa vào phục vụ du lịch để quảng bá. Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo đưa vào trường học giờ ngoại khóa, để các em trân trọng những giá trị nghệ thuật của dân tộc, đặc biệt là “người Việt Nam phải biết sâu sắc văn hóa Việt Nam”.

MINH TRIẾT - QUỐC CHIẾN

Tin cùng chuyên mục