Vinh danh TOP doanh nghiệp CNTT Việt Nam ở 18 lĩnh vực

Tổng doanh thu năm 2021 của các doanh nghiệp được vinh danh TOP 10 năm nay đạt 162.333 tỷ đồng, tương đương 7 tỷ USD, chiếm 51% doanh thu của toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam, với tổng số nhân sự 175.601 người.

Sáng 10-9, tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tổ chức lễ công bố và vinh danh TOP 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2022 tại Hà Nội với sự hiện diện của hơn 400 đại biểu. Lãnh đạo Bộ TT-TT, Bộ KH-CN đã tham dự và trao chứng nhận, vinh danh các doanh nghiệp.

Vinh danh TOP doanh nghiệp CNTT Việt Nam ở 18 lĩnh vực ảnh 1 Các doanh nghiệp CNTT được vinh dann tại sự kiện. Ảnh T.B
Được phát động từ ngày 28-4, chương trình năm nay đã nhận được sự ủng hộ và tham gia đông đảo của các doanh nghiệp với 147 đề cử trong 20 lĩnh vực từ 92 doanh nghiệp.
Ngày 23-7, Hội đồng đánh giá do TS Mai Liêm Trực làm Chủ tịch và 25 thành viên gồm các đại diện từ Bộ TT-TT, Bộ Công thương, Bộ KH-CN, Bộ Y tế, các trường đại học, các công ty tư vấn và kiểm toán quốc tế, các chuyên gia CNTT và đại diện các cơ quan báo chí ngành CNTT đã nhất trí lựa chọn 101 đề cử xứng đáng vinh danh TOP 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2022 tại 18 lĩnh vực.
Theo số liệu thống kê, tổng doanh thu năm 2021 của các doanh nghiệp được vinh danh TOP 10 năm nay đạt 162.333 tỷ đồng, tương đương 7 tỷ USD, chiếm 51% doanh thu của toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam, với tổng số nhân sự 175.601 người. Hầu hết các doanh nghiệp CNTT lớn của Việt Nam đều có tên trong danh sách này.
Vinh danh TOP doanh nghiệp CNTT Việt Nam ở 18 lĩnh vực ảnh 2 Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh T.B
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng, các doanh nghiệp CNTT Viêt Nam đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển các nền tảng số. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ số hãy bắt tay vào giải quyết các bài toán của Việt Nam bằng công nghệ số, bằng các mô hình vận hành đột phá, rồi từ Việt Nam đi ra thế giới. Chìa khóa của công cuộc chuyển đổi số là các nền tảng số. Các doanh nghiệp công nghệ số có sứ mệnh, trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các sản phẩm, giải pháp hiệu quả, chất lượng cho chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Chính phủ và Bộ TT-TT mong muốn, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ số nhận lấy sứ mệnh, mỗi doanh nghiệp lớn nhận lấy một nhiệm vụ cụ thể. Chính phủ hành động bằng cách lựa chọn ra các nền tảng tốt, sử dụng bộ máy tuyên truyền để lan tỏa, phổ biến, nhân rộng trên phạm vi toàn quốc các mô hình tốt, các câu chuyện thành công của những doanh nghiệp công nghệ số hiện nay…

Vinh danh TOP doanh nghiệp CNTT Việt Nam ở 18 lĩnh vực ảnh 3 Chủ tịch VINASA phát biểu tại buổi lễ. Ảnh T.B
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, dù tình hình thế giới phức tạp, tuy nhiên kinh tế Việt Nam lại đang có được bước phát triển rất mạnh mẽ, với các dự đoán tích cực từ tất cả các tổ chức đánh giá quốc tế. Tiến trình chuyển đổi số Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn tăng tốc từ cơ quan, đến doanh nghiệp, người dân, tạo đà cho sự phát triển toàn diện của Việt Nam.
Các doanh nghiệp công nghệ số đang gánh vác trên vai sứ mệnh, lĩnh ấn tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia cũng đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành Đối tác chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Danh sách các TOP 10 doanh nghiệp CNTT năm 2022 phản ánh rất rõ nét về các xu hướng, đặc trưng và hơi thở của ngành.
Chương trình TOP 10 doanh nghiệp CNTT từ năm nay cũng được đổi mới với một hình thức thể hiện mới, để không chỉ vinh danh mà còn kể những câu chuyện về nỗ lực, sáng tạo, sự chuyển đổi của doanh nghiệp số và tạo cảm hứng cho sự phát triển triển của các doanh nghiệp không chỉ trong ngành CNTT mà còn cả các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế.
Vinh danh TOP doanh nghiệp CNTT Việt Nam ở 18 lĩnh vực ảnh 4 Các doanh nghiệp CNTT được vinh dann tại sự kiện. Ảnh T.B
Sau lễ vinh danh, danh sách và ấn phẩm giới thiệu TOP 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2022 sẽ tiếp tục được VINASA giới thiệu đến các cơ quan của Chính phủ, bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố, và trên 5.000 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng CNTT lớn trên toàn quốc; các doanh nghiệp, hiệp hội, thương vụ, tổ chức xúc tiến thương mại tại 100 quốc gia và nền kinh tế trong mạng lưới hợp tác quốc tế của VINASA.
Danh sách TOP 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2022, các ấn phẩm giới thiệu TOP 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2022 bằng 3 ngôn ngữ Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Nhật sẽ được download miễn phí trên website của chương trình tại www.top10ict.com và website của VINASA tại www.vinasa.org.vn.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức TOP 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2022, đã quyết định thành lập, lựa chọn và trao chứng nhận Doanh nghiệp CNTT nghìn tỷ cho những doanh nghiệp lớn có doanh thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Các doanh nghiệp này sẽ chung tay đồng hành cùng Chính phủ giải các bài toán lớn cho quốc gia; định hướng, dẫn dắt sự phát triển của ngành và hỗ trợ dẫn dắt các doanh nghiệp công nghệ số cùng phát triển; và đầu tư, thúc đẩy startup công nghệ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực. 15 doanh nghiệp công nghệ số năm 2022 đã được lựa chọn và vinh danh trong hạng mục này.

Nhóm doanh nghiệp CNTT nghìn tỷ Việt Nam

1. Công ty Cổ phần FPT

2. Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT IS)

3. Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software)

4. Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom)

5. Công ty Cổ phần Viễn thông - Tin học Bưu điện (CTIN)

6. Công ty Cổ phần Thông minh MK

7. Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

8. Công ty TNHH NashTech Việt Nam

9. Tập đoàn One Mount

10. Công ty TNHH Viettel IDC - Tập đoàn Viettel

11. Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel - Tập đoàn Viettel

12. Công ty Truyền thông Viettel (Viettel Media) - Tập đoàn Viettel

13. Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) - Tập đoàn Viettel

14. Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel - Tập đoàn Viettel

15. Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT Technology)

Tin cùng chuyên mục