Vinh danh nhiều tập thể, cá nhân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản
SGGPO
Chiều 7-9, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị đánh giá và tuyên dương công tác bảo tồn, phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn qua 20 năm được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm- Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Đô thị cổ Hội An
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi cũng rất vinh dự được đón tiếp và lắng nghe ý kiến của đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế đã có nhiều quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ Quảng Nam trong việc trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Hội An, Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm trong suốt nhiều năm qua. Chúng tôi kỳ vọng, các ý kiến của quý đại biểu tại Hội nghị hôm nay sẽ mở ra những định hướng, giải pháp mới để Quảng Nam tiếp tục làm tốt hơn các công tác có liên quan, qua đó tiếp tục đưa Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm thật sự xứng đáng là những Di sản văn hóa, Khu sinh quyển thế giới mà UNESCO đã tôn vinh”.
Theo báo cáo của Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, qua 20 năm được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, 10 năm được công nhận Khu dự trữ sinh quyến thế giới, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng.
Cùng với việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đa dạng tại Hội An, Mỹ Sơn cũng được phục hồi và phát huy giá trị. Các ngành du lịch, dịch vụ đã phát triển vượt bậc, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững, đưa Quảng Nam đứng vào top những địa phương tự cân đối ngân sách và có đóng góp cho cả nước.
Quang cảnh hội nghị
Từ năm 1999 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn, Đô thị cổ Hội An đã thực hiện tu bổ 459 di tích với tổng số vốn đầu tư là 182,573 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn tỉnh và Trung ương là 68,159 tỷ; vốn ngân sách thành phố là 90,043 tỷ đồng; vốn tài trợ nước ngoài là 3,9 tỷ; xã hội hóa là 20,434 tỷ.
Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Dự án đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ thuộc Di sản văn hoá thế giới Hội An. Theo đó, đã có 72 di tích tại Đô thị cổ được tu bổ khẩn cấp với tổng kinh phí 36,477 tỷ đồng.
Ngoài ra, để tăng cường tính bền vững cho các di tích kiến trúc gỗ, những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện Dự án phòng trừ côn trùng hại gỗ (chống mối mọt) trong khu phố cổ Hội An cho 1.521 di tích với kinh phí 14,9 tỷ đồng và Dự án chống mối cho 31 di tích vùng ven với kinh phí 2,04 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, trong 20 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tại đây có 11 tháp Chăm được tu bổ và 06 hạng mục hỗ trợ cho công tác bảo tồn di tích với tổng kinh phí 166,897 tỷ đồng.
Tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho nghệ nhân Bling-Hạnh (huyện Nam Giang, Quảng Nam)
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan của tỉnh Quảng Nam, TP Hội An và huyện Duy Xuyên, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã có những tham luận, giới thiệu về kết quả và kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản; đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp đến tỉnh, Trung ương và UNESCO để có những chỉ đạo, giải pháp tiếp tục phát huy tốt hơn nữa giá trị di sản gắn với công tác bảo tồn di tích, đưa Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm trở thành những địa chỉ văn hóa, du lịch nổi tiếng, xứng đáng với sự tôn vinh của thế giới.
Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, đại diện lãnh đạo Bộ VH-TT-DL đã trao tặng Danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" cho 13 cá nhân; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trao tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 6 cá nhân vì đã có những đóng góp xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã trao thư cảm ơn đến các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước về những đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản tại Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm trong 20 năm qua.
Vinh danh nhiều tập thể, cá nhân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản