Dự lễ vinh danh di sản Bài chòi có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các tỉnh, thành phố; ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; các đại biểu trong nước và quốc tế cùng đông đảo đồng bào.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự buổi lễ Ảnh: TTXVN
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng và biểu dương cộng đồng chủ thể di sản đã sáng tạo, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc này thông qua hai hình thức Hội chơi Bài chòi và Trình diễn Bài chòi. “…Chúng ta hãy cùng chia sẻ niềm vui, niềm tự hào với nhân dân và lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng 8 tỉnh, thành miền Trung: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa trong sự kiện đặc biệt này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cao những giá trị văn hóa, nghệ thuật của Bài chòi. Đây là nghệ thuật tổng hợp: âm nhạc, thơ, diễn xuất, sân khấu, hội họa, văn học…, là môi trường thực hành và sáng tạo nghệ thuật, đồng thời cũng là nơi bảo tồn vốn văn nghệ dân gian, phong cách trình diễn và các giá trị văn hóa vùng miền. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của Bộ VH-TT-DL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các nhà khoa học, các tổ chức trong nước và quốc tế đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy các giá trị của “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam” nói riêng, di sản văn hóa của Việt Nam và nhân loại nói chung. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ các mục tiêu đã xác định tại Nghị quyết số 33-NQ-TW của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Từ đó, Thủ tướng đề nghị, chính quyền, nhân dân 9 tỉnh, thành cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ, cộng đồng thực hành di sản “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam” và Bộ VH-TT-DL, với tình cảm và trách nhiệm đối với di sản cha ông để lại, cần hợp tác chặt chẽ, triển khai thật nghiêm túc và hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, hợp tác chặt chẽ của UNESCO cùng các tổ chức quốc tế đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam; Đảng và Nhà nước Việt Nam mong luôn nhận được sự hỗ trợ và những tình cảm sẻ chia, gắn kết của bạn bè quốc tế, để các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam ngày càng lan tỏa sâu rộng, hòa cùng dòng chảy của tinh hoa văn hóa nhân loại… Thay mặt các đồng chí lãnh đạo và nhân dân 9 tỉnh, thành có di sản, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu: “Đây thật sự là thời khắc đầy xúc động và tự hào cho nhân dân 9 tỉnh, thành Trung bộ chúng tôi. Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam, 9 tỉnh, thành Trung bộ dưới sự chủ trì của Bộ VH-TT-DL quyết tâm xây dựng Đề án bảo tồn và tiếp tục tạo dựng, phát huy di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam, giai đoạn 2018 - 2023, có những đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và sự đa dạng văn hóa của nhân loại”.
Nghệ nhân bài chòi Trung bộ vui mừng đón nhận hoa tại lễ vinh danh Ảnh: NGỌC OAI
Tiếp nối 40 phút còn lại của lễ vinh danh là chương trình “Âm vang nghệ thuật Bài chòi”, bao gồm 3 chương: Về nơi nguồn cội Bài chòi, Bài chòi - hồn cốt văn hóa miền Trung và Ngàn năm nhịp phách bài chòi còn vang, quy tụ 400 nghệ sĩ, nghệ nhân trình diễn.
Ngày 7-12-2017, tại đảo Jeju, Hàn Quốc, Hội nghị lần thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ UNESCO về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, đã ra Nghị quyết đưa “Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bài chòi được ghi nhận do bản thân di sản có giá trị nhân văn sâu sắc, gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục, tập quán của người dân, được cộng đồng trân trọng và liên tục lưu truyền qua nhiều thế hệ đến nay.