Ngày 21-9, tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức lễ công bố và vinh danh tốp 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2024. Chương trình có sự tham dự của đại diện Bộ TT-TT, các chuyên gia công nghệ, cùng trên 400 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp công nghệ số được vinh danh.
Tốp 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam là chương trình thường niên bình chọn và công nhận các doanh nghiệp có uy tín và năng lực hàng đầu của Việt Nam do VINASA. Chương trình cũng nhắm mục đích giới thiệu và kết nối hợp tác các doanh nghiệp được lựa chọn vinh danh với các đối tác trong nước, quốc tế. Nhiều năm qua, chương trình đã nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, đối tác, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong hoạt động truyền thông và thúc đẩy hợp tác.
Được phát động từ ngày 13-5-2024, qua 2 tháng phát động và triển khai, chương trình đã nhận được sự ủng hộ và tham gia đông đảo của các doanh nghiệp. Hội đồng đánh giá gồm các đại diện từ Bộ TT-TT, Bộ KH-CN, các trường đại học, các công ty tư vấn và kiểm toán quốc tế; đại diện các cơ quan báo chí CNTT, các chuyên gia CNTT và đại diện lãnh đạo VINASA đã nhất trí lựa chọn 81 đề cử từ 56 doanh nghiệp xứng đáng vinh danh tốp 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2024 tại 22 lĩnh vực.
Trong đó, có 11 đề cử Doanh nghiệp công nghệ số ngàn tỷ. Theo thống kê, tổng doanh thu của các doanh nghiệp được vinh danh tốp 10 năm nay đạt 115.469 tỷ đồng, tương đương hơn 4,7 tỷ USD với tổng số nhân sự 76.767 người. Riêng 11 Doanh nghiệp công nghệ số nghìn tỷ có doanh thu 82.251 tỷ đồng, tương đương 3,3 tỷ USD, sử dụng 52.244 lao động.
Theo Bộ TT-TT, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng ghi nhận. Doanh thu công nghiệp công nghệ số Việt Nam 9 tháng năm 2024 đạt 118 tỷ USD, tăng 17,78% so với 9 tháng đầu năm 2023; trong đó, doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ công nghiệp số là 6,64 tỷ USD, tăng 9,86% so với 9 tháng năm 2023.
Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã quy tụ hơn 51.000 doanh nghiệp, tạo ra việc làm cho trên 1,5 triệu người, trong đó khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài. Hoạt động phần mềm và dịch vụ công nghiệp số là một trong những thế mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong nước và quốc tế, góp phần ghi danh Việt Nam trên bản đồ thế giới về công nghiệp số.
Ông Ngô Diên Hy, Phó Chủ tịch VINASA cho biết, sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được tạo nền tảng từ việc sở hữu, phát triển, ứng dụng những công cụ công nghệ tiên tiến, và phát triển được lực lượng chuyên gia, kỹ sư CNTT xuất sắc.
Đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Nhiều công ty đã có những sản phẩm AI được cấp bằng sáng chế, đạt nhiều giải thưởng quốc tế. Công thức tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp công nghệ số trong thời gian vừa qua là đầu tư mạnh cho R&D ứng dụng các công cụ AI như OCR, Chatbot, Code Converter, Code Generator, Test automation... nhằm tăng năng suất lao động, tăng tốc độ đóng gói sản phẩm từ đó tối ưu được nguồn lực tạo ra tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận.
Thời gian qua, các doanh nghiệp công nghệ phục vụ thị trường trong nước cũng ghi nhận sự đầu tư mạnh mẽ cho phát triển và ứng dụng AI. Ứng dụng AI đang được phổ biến tới từng người, từng cán bộ, từng tổ chức, doanh nghiệp. Hạ tầng tính toán cho AI cũng đang được đầu tư mạnh mẽ với các siêu trung tâm dữ liệu, và chíp AI, đã được doanh nghiệp lớn triển khai dịch vụ cho các đơn vị phát triển. Lượng kỹ sư, chuyên gia AI trong các doanh nghiệp cũng tăng lên nhanh chóng. Báo cáo cho thấy Việt Nam đã có khoảng 10.000 kỹ sư AI, trong đó FPT thông báo sở hữu đến hơn 1.000 chuyên gia AI.
Theo VINASA, Việt Nam đang được đánh giá là nền kinh tế tiếp theo ở châu Á có được cơ hội trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp bán dẫn toàn cầu bên cạnh: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Thực tế cho thấy, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành “ngôi sao đang lên” của thị trường chất bán dẫn toàn cầu, với nhiều lợi thế và cơ hội hợp tác, phát triển rất lớn.
Bên cạnh các chiến lược phát triển như: Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Hợp tác công nghệ và R&D, Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang tiên phong trong phát triển công nghiệp bán dẫn. FPT với sản phẩm chip Made by Việt Nam và MKSmart với hệ điều hành chip, hệ thống bảo mật an toàn là những doanh nghiệp đi đầu tham gia vào việc hình thành hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Một số doanh nghiệp khác đang bắt hợp tác tham gia vào các công đoạn thiết kế, phát triển ứng dụng chip, kiểm thử.