Sáng nay, Facebook của người thân và học sinh Trường Lương Thế Vinh đồng loạt đổi màu đen. Hàng loạt tài khoản trên mạng xã hội cũng bày tỏ niềm tiếc thương với người thầy giáo đáng kính.
PGS Văn Như Cương phát hiện bệnh ung thư gan từ vài năm nay, nhưng trong quá trình chiến đấu với bệnh tật, thầy luôn thể hiện tinh thần kiên cường, như một “chiến binh dũng cảm” để truyền cảm hứng cho giáo viên, học sinh Trường Lương Thế Vinh cũng như nhiều người trong xã hội.
Khi mệt quá thầy nhập viện điều trị. Khi khỏe thầy vẫn làm việc, vẫn đến trường nói chuyện với học sinh. Mỗi lễ khai giảng năm học mới hay sự kiện của Trường Lương Thế Vinh, thầy Văn Như Cương vẫn xuất hiện như một biểu tượng tinh thần của trường.
Sau khi về nước ông làm giảng viên, công tác tại bộ môn Hình học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Vinh. Ông là chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học… Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao) của Việt Nam.
PGS Văn Như Cương còn được biết đến là người thành lập, hiệu trưởng (từ năm 1989 đến 2014) của Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam.
Trải qua hơn 1/4 thế kỷ, Trường dân lập Lương Thế Vinh đã gầy dựng được thương hiệu lớn của mình, trở thành một trong những ngôi trường được người học xếp hàng “chạy đua”. Ở Hà Nội, không tính các trường chuyên thì Trường dân lập Lương Thế Vinh xếp thứ nhất về điểm thi đại học. Sau 25 năm làm Hiệu trưởng, thầy đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường từ năm 2014.
Đặc biệt, PGS Văn Như Cương luôn có những ý kiến phản biện sâu sắc với tinh thần xây dựng để mong nền giáo dục nước nhà ngày càng tốt lên. Nhiều câu nói của ông truyền cảm hứng cho các thế hệ như: "Biển học mênh mông, sách vở chỉ là vùng biển gần bờ"; "Ai cũng vào đại học là lạc hậu", "Trước hết phải là người tử tế"...
Những năm qua, PGS Văn Như Cương cũng được gọi với cái tên trìu mến là “lão teen Văn Như Cương” khi hàng ngày vẫn cập nhật thông tin thời sự nóng hổi trên Facebook với danh sách gần 5.000 bạn bè và cả chục ngàn người theo dõi.
Cái cách ông chơi mạng xã hội cũng trẻ trung, sống động như giới trẻ, nhưng cũng sâu sắc, đầy trải nghiệm của một người trí thức lớn đã trải qua những thăng trầm của thời cuộc.
Trên Facebook của ông, mỗi lần ông cập nhật một trạng thái mới, thì không chỉ học trò hiện nay, mà cả hàng ngàn học trò cũ, các bậc phụ huynh lại thể hiện lòng kính trọng, sự biết ơn của mình. Qua những hành trình ông đi và chia sẻ, thấy ông như một tiên ông với bộ râu dài bạc trắng, đi khắp thế gian, truyền dạy kiến thức và vun vén lối ứng xử hay cho học trò.
Thầy Văn Như Cương cũng được nhớ nhiều với những bức thư, bài diễn văn lay động tâm can dành cho học trò của ông. Mới đây nhất, tại lễ khai giảng năm học 2017-2018, ông đã có bài nói chuyện với học sinh về “căn bệnh lười” rất nguy hiểm: lười học, lười lao động, lười suy nghĩ..
Trước đó, năm 2014, ông đã tạo nên một lễ khai giảng độc đáo của trường mình với màu cờ đỏ và bài diễn văn gây xúc động triệu trái tim. Tại lễ khai giảng thấm đẫm tình yêu đất nước đó, tất cả giáo viên, học sinh được mặc bộ đồng phục với lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
“Một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa, hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất… Chúng ta hãy yêu mến nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình mình, yêu bạn bè , yêu thầy cô”... Bài diễn văn của người thầy đã làm lay động cả triệu con tim.
Mắc bệnh ung thư quả thật rồi.
Nên đành vĩnh biệt rượu bia thôi!
Khi nào nhạt miệng, tìm chai nước.
Pha chút men say của đất trời.