Ông là tấm gương của sự mưu trí, gan dạ khi đối mặt với kẻ thù, sẵn sàng hy sinh máu xương vì sự nghiệp độc lập của dân tộc. Câu chuyện bị giặc Mỹ cưa chân 6 lần vẫn giữ vững khí tiết, không khai báo của Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương luôn được nhiều người cảm phục.
Khôn khéo, mưu trí trước kẻ thù
Một trong những chiến công đầu tiên của ông là cùng đồng đội “ngắt đầu” hình nộm Tổng thống Ngô Đình Diệm khi mới 20 tuổi. Ngày 15-10-1958, một hội chợ triển lãm mang màu sắc chính trị diễn ra tại Biên Hòa. Nhân dịp này, “tổ công tác phong trào cách mạng của đồn điền cao su Xuân Lộc” gồm Nguyễn Văn Thương, Trịnh Minh Thành, Hai Gáo, Năm Ninh quyết định tham gia hội chợ với ý định rải truyền đơn.
Xong nhiệm vụ chính, ông cùng các đồng chí của mình hòa vào đám đông đang ngắm nghía chiếc xe bọc vải nhung kết hoa sặc sỡ. Nhìn thấy trên xe là hình nộm Tổng thống Ngô Đình Diệm, cả tổ bàn nhau “ngắt đầu” hình nộm để hạ uy tín địch. Ông là người trực tiếp nhảy lên xe, nép mình nấp sau lưng hình nộm, cắt dây chằng và hất được đầu hình nộm làm bằng thạch cao rơi xuống thùng xe. Chiếc xe chở bức tượng cụt đầu tiến vào khu vực dân cư là hình ảnh quái dị trong mắt những người chứng kiến.
Sang năm 1960, Nguyễn Văn Thương được điều chuyển sang lực lượng công an vũ trang. Ngày 10-2-1961, ông được đồng chí Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) xem lý lịch và đưa vào Phòng Tình báo phía Nam, biệt hiệu D110. Ông nằm trong mũi tình báo giao thông A18 do đồng chí Hai Trung (Anh hùng Lực lượng VTND Phạm Xuân Ẩn) phụ trách nhằm chuyển tin tức mà đồng chí Hai Trung lấy được ra chiến khu và ngược lại. Sau đó, ông được điều từ A18 sang A20, A22 rồi A36 dưới vỏ bọc mang tên “Đại úy Ngọc, đặc phái viên của CIA”.
Dưới vỏ bọc này, suốt nhiều năm liền ở các mũi, ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển 900 chuyến tin tình báo của ông Ba Quốc (Anh hùng Lực lượng VTND Đặng Trần Đức) từ Tổng nha Cảnh sát ngụy, của ông cố vấn Vũ Ngọc Nhạ từ Phủ Tổng thống, của đồng chí Hai Trung từ nội thành về chiến khu.
6 lần bị cưa chân vẫn không khuất phục
Ngày 10-2-1969, Nguyễn Văn Thương bị bắt khi trên đường đi công tác. Nhưng ông vẫn kịp thời giấu tài liệu (của A36 chuyển tài liệu lên R do ông Phạm Xuân Ẩn khai thác) và chiến đấu đến hết đạn, hạ trên 20 lính Mỹ. Bị tra khảo, ông chỉ thừa nhận là du kích. Không may, một tên chiêu hồi biết mặt ông nên CIA quyết tâm khai thác lời khai của ông bằng mọi cách, kể cả dùng tiền, gái đẹp, chức vụ… Không khuất phục được ông, địch ra lệnh cưa 2 chân ông cụt gần đến háng trong 6 lần. Nhưng ông vẫn cương quyết không khai, cắn răng chịu đựng vì một niềm tin vào Đảng.
“Tôi thà chết chứ nhất định không hợp tác với giặc, không bao giờ bán nước”, ông kể. Sau khi dùng đủ các chiêu trò từ tâm lý đến tra tấn không đạt được kết quả, ông bị kẻ địch đưa về giam giữ tại Trại giam Hố Nai. Trong tù, ông vẫn tiếp tục hoạt động, đấu tranh, viết truyền đơn nên bị liệt vào dạng tù cấm cố, rồi bị đày ra Côn Đảo. Đến ngày 14-2-1973, giặc mới trao trả tù binh và sau đó ông được đưa đi an dưỡng.
Năm 1978, ông Nguyễn Văn Thương được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng VTND.
Quận ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ quận Bình Thạnh; Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ phường 13, quận Bình Thạnh và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin: Đồng chí Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân NGUYỄN VĂN THƯƠNG |