Vĩnh biệt NSƯT Vũ Linh: Lưu mãi một tài danh

Ngày 5-3, thông tin NSƯT Vũ Linh ra đi khiến nhiều người thân, đồng nghiệp, bạn bè, thân hữu và đông đảo khán giả mộ điệu gần xa không khỏi bất ngờ, xót xa và luyến tiếc!

Thống soái cải lương video

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, chia sẻ: “Tôi không có nhiều dịp làm việc với NSƯT Vũ Linh, nhưng trong nghề nghiệp, Vũ Linh là một nghệ sĩ tài năng, có những nét duyên và kỹ thuật biểu diễn rất riêng trong lĩnh vực tuồng cổ. Khi sân khấu cải lương video phát triển, Vũ Linh là ngôi sao nổi bật, là một thống soái của cải lương video”.

Từ trưa, khi hay tin NSƯT Vũ Linh ra đi, NSND Kim Cương cứ bồi hồi xúc động, nữ nghệ sĩ chia sẻ: “Tôi với Linh hoạt động ở hai lĩnh vực khác nhau nhưng đã đóng chung với nhau một số vở, có với nhau không ít kỷ niệm buồn vui. Hay tin Linh mất, tôi rất buồn, trong lòng cứ dâng lên cảm giác tiếc nuối vì tôi nghĩ Linh còn trẻ, được rất nhiều khán giả thương yêu. Tuổi này Linh ra đi thật quá sớm. Với tài năng của Linh, em còn khỏe sẽ còn đóng góp rất nhiều cho nghệ thuật sân khấu cải lương”.

NSƯT Vũ Linh và nghệ sĩ Trinh Trinh trong vở "Lá sầu riêng". Ảnh: LINH ĐOAN

NSƯT Vũ Linh và nghệ sĩ Trinh Trinh trong vở "Lá sầu riêng". Ảnh: LINH ĐOAN

NSND Minh Vương khi nhận được tin cũng xúc cảm bộc bạch: “Vũ Linh là đồng nghiệp thân thương của tôi và với rất nhiều anh chị em nghệ sĩ sân khấu. Trong nghề hay ngoài đời, Linh luôn nhận được sự yêu mến, quý trọng của anh chị em. Xưa, tôi và Linh tuy không diễn với nhau trên sân khấu nhưng đóng chung trong rất nhiều chương trình video cải lương, có với nhau nhiều tình cảm và kỷ niệm làm nghề. Nay Linh ra đi, sân khấu cải lương mất đi một nghệ sĩ tài năng đặc biệt, thật vô cùng thương tiếc!”.

Đỉnh cao của hóa thân

NSƯT Vũ Linh tên thật là Võ Văn Ngoan, sinh ngày 10-12-1958 trong gia đình nghèo có sáu anh chị em. Thuở nhỏ, vì gia đình nghèo nên anh dang dở chuyện học hành. Năm 13 tuổi, được cha mẹ cho theo học hát ở Trường Văn Phát, rồi chuyển qua học ca cổ với danh cầm - nhạc sĩ Văn Vĩ.

Năm 1972, anh theo đoàn hát Đồng Ấu Hoa Thế Hệ đi lưu diễn ở các tỉnh. Một thời gian sau anh về hát cho gánh Hoa Anh Đào Kim Chưởng, gặp được NSƯT Diệu Hiền và NS Trương Ánh Loan, cả hai nữ nghệ sĩ đều thương mến anh như con em trong nhà, tận tình chỉ dẫn trong nghề nghiệp.

Về sau, anh còn thọ giáo nghệ thuật, kỹ thuật biểu diễn tuồng cổ của nghệ sĩ Minh Tơ, Thanh Tòng. Giai đoạn này, anh cộng tác với khá nhiều đoàn hát khác như Khánh Hồng An Giang, Thiên Nga, Sơn Minh...

Năm 1981, Vũ Linh trở về TPHCM và hát cho gánh Minh Tơ, Huỳnh Long. Năm 1983, anh hợp tác với gánh Lâm Đồng đi lưu diễn các tỉnh. Năm 1988, anh cộng tác với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang 2 và từ đây tên tuổi Vũ Linh thực sự bước lên đài vinh quang sau hơn 15 năm lăn lộn trong nghề.

Cũng tại nhà hát này, anh đã đưa nghệ thuật sân khấu cải lương tuồng cổ trở lại với khán giả, bắt đầu bằng vở Xa phu đi sứ và một loạt những tuồng cải lương hồ quảng nổi tiếng khác như Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Bàng Quý Phi, Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Chiêu Quân cống Hồ...

Năm 1991, anh đoạt HCV giải Triển vọng Trần Hữu Trang; năm 1995 đoạt Huy Chương Vàng giải Xuất sắc Trần Hữu Trang. Năm 1997, Vũ Linh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Từ năm 2019, Vũ Linh ngừng diễn do không còn đủ sức khỏe. Ngoài bệnh đường ruột kéo dài lâu năm, anh còn bị vấn đề về cột sống, không thể đứng thường xuyên hay biểu diễn vũ đạo.

Đầu năm 2022, Vũ Linh tái xuất với vai trò khách mời chương trình Kiếp cầm ca kỷ niệm 60 theo nghề của NS Hồng Nga. Trong năm 2022, anh cũng góp mặt trong vở Mạnh Lệ Quân kỳ nữ của đoàn tuồng cổ Huỳnh Long và diễn một cảnh trong vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài nhân kỷ niệm 5 năm thành lập sân khấu Chí Linh - Vân Hà...

NSƯT Vũ Linh được giới mộ điệu phong là “ông hoàng cải lương hồ quảng”

NSƯT Vũ Linh được giới mộ điệu phong là “ông hoàng cải lương hồ quảng”

Theo giới chuyên môn, giọng ca của NSƯT Vũ Linh sang sảng, thể hiện sức mạnh về tinh thần mãnh liệt, đồng thời cũng thể hiện trọn vẹn sự ngọt ngào chân phương, độ trầm ấm, mùi mẫn, mềm mại rất cần thiết của nghệ thuật ca cải lương. Nghe anh ca, khán giả có thể cảm nhận được hết ý, tình, chất thanh tao, sự lắng đọng của cảm xúc mà anh đặt để vào trong từ câu, chữ; những điểm, đoạn nhấn nhá, nhả chữ tạo nên sức hút đặc biệt của riêng anh, không lẫn với ai được.

Phong cách diễn xuất của nam nghệ sĩ tài danh cũng rất khác biệt với nhiều nghệ sĩ cùng thời và với cả thế hệ nghệ sĩ sau này. Khi bước lên sân khấu, NSƯT Vũ Linh luôn đạt đỉnh cao của sự hóa thân khi thổi hồn và sự sống vào trong từng vai diễn khiến khán giả cùng khóc, cười, buồn, vui, đau đớn, hạnh phúc… với bao số phận nhân vật.

NSƯT Vũ Linh trút hơi thở cuối cùng lúc 12 giờ 30 ngày 5-3 tại tư gia (quận Phú Nhuận), hưởng thọ 65 tuổi. Tang lễ NSƯT Vũ Linh được tổ chức tại nhà riêng. Lễ nhập quan vào lúc 3 giờ ngày 6-3. Lễ động lúc 11 giờ ngày 9-3. Sau đó, linh cữu sẽ được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.

Tin cùng chuyên mục