Công chúng nhanh chóng nhớ tới cái tên Đoàn Dũng, nhớ tới gương mặt, ánh mắt, nụ cười của ông… bởi bản thân ông và vai diễn của ông rất giống với những người xóm giềng, bè bạn, đồng nghiệp của họ trong một đoạn đời thật diệu kỳ: Vừa phải gồng mình chống chọi với sức hủy diệt của đạn bom, với những kham khổ, cực nhọc đời thường mà sao cũng chan chứa sự yêu thương, tình chở che, đùm bọc, hệt như trong truyện cổ tích…
Nghệ sĩ Đoàn Dũng tên thật là Nguyễn Anh Dũng. Ông sinh ngày 15-8-1939 tại Hà Nội. Thời thanh niên sôi nổi của ông gắn liền với Hà Nội, gắn liền với những gì được gọi là “đầu tiên” trong giai đoạn lịch sử đáng nhớ ấy. Học xong hệ trung học, anh thanh niên Đoàn Dũng tình nguyện nhập ngũ, thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự đầu tiên của Nhà nước ban hành vào năm 1958. Cởi bỏ quân phục, lòng đầy khát khao mong hiến dâng sức trẻ cho kế hoạch 5 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội đầu tiên, Đoàn Dũng thi và trúng tuyển vào khóa I - kỳ lạ sao cũng là khóa đào tạo diễn viên chính quy đầu tiên sau ngày miền Bắc được giải phóng. Lớp học viên khóa ấy đã tạo thành một “thế hệ vàng” gồm những tên tuổi chói sáng như: Thế Anh, Hà Văn Trọng, Doãn Châu, Nguyệt Ánh, Trần Minh Ngọc, Bích Lân, Xuân Chính, Minh Mẫn…
Anh yêu nghề, hết lòng với vai diễn, trăn trở suy nghĩ để tìm cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa những yêu cầu của nghệ thuật biểu diễn hiện đại với nghệ thuật truyền thống. Có thể kể ra đây một loạt vở diễn nghệ sĩ Đoàn Dũng đã sắm vai: Đêm Giông tố, Đêm đen, Nhân chứng và Lịch sử, Người cầm súng, Những bông hoa anh túc… Nói tới những vai diễn tính cách - một thế mạnh của nghệ sĩ Đoàn Dũng, khán giả yêu sân khấu thuở ấy không thể quên Người cha thô bạo và Erostap - người đốt đền của ông. Hai vai khiến sau vở diễn, người xem không tài nào ngủ được; buộc phải trăn trở nghĩ suy về lẽ đời, chất vấn bản thân trước câu hỏi: Tồn tại hay không tồn tại?
Song hành với hoạt động sân khấu, nghệ sĩ Đoàn Dũng cũng đảm nhận nhiều nhân vật trong hàng chục bộ phim như: Biển lửa, Tiếng gọi phía trước, Rừng O Thắm, Ngày lễ thánh, Trừng phạt, Dòng sông thơ ấu, Ông Hội đồng, Chân trời nơi ấy... Hai vai diễn màn ảnh - hai “tuýp” người sống ở hai thời buổi khác nhau, với những diễn biến tâm lý, với cách hành xử rất khác nhau, nhưng trong cách thể hiện của nghệ sĩ Đoàn Dũng đã đạt tới hai hình tượng sẽ còn lưu giữ rất lâu trong lịch sử nền điện ảnh Việt nam. Đó là vai trung sĩ Vệ trong bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm - một dáng hình ngơ ngác, mệt mỏi, cầm súng xông vào cõi chết chỉ mong để kiếm miếng cơm hàng ngày nuôi đàn con dại. Đó là vai Hoàng Hoa Thám, hiên ngang, lẫm liệt, “con hùm xám của vùng rừng núi Yên Thế” trong phim Thủ lĩnh áo nâu. Với mảng phim về đề tài lịch sử, có thể nói rằng, cho đến tận hôm nay nhân vật “anh hùng áo vải” Đề Thám vẫn là một trong không nhiều hình tượng màn ảnh nhắc nhớ tới cha ông, được khắc họa hoàn chỉnh đến như vậy.
Khi đã có tuổi, tính kể từ sau ngày vào sinh sống, làm việc tại TPHCM, những phép tính nghiệt ngã của cơ chế thị trường khiến cho các rạp hát kịch khó sáng đèn hơn. Nghệ sĩ Đoàn Dũng hầu như không còn nhận được vai diễn trên sân khấu nữa. Nhưng trên trường quay, nhận vai trong các bộ phim nghệ thuật hay thương mại, ông luôn là mẫu mực cho lớp diễn viên con cháu đi sau noi theo về lòng yêu nghề, về ý thức trách nhiệm với vai diễn, về việc đặt những mục tiêu nghệ thuật vượt lên trên cám dỗ của tiền bạc; về ý thức công dân của người nghệ sĩ trước những bức bối, nan giải của xã hội…
Trên 40 vai diễn - cả ở hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh - đó là những cống hiến lớn lao, chứa đựng nhiều tài năng, tâm huyết; những suy tư, trăn trở của một người làm công tác sáng tạo, tận hiến cho nhân dân mình, đất nước mình. Thiết nghĩ, ngần ấy vai diễn xứng đáng trở thành một công trình nghiên cứu khoa học, góp phần đúc rút, bổ sung, làm phong phú thêm ngành nghệ thuật biểu diễn nước nhà hôm nay và mai sau.
Ngoài công tác đóng kịch, đóng phim, một phương diện cống hiến khác của nghệ sĩ Đoàn Dũng là ông đã dành tâm sức, thời gian cho công tác quản lý nhà hát và giảng dạy, tổ chức, gầy dựng trường sở; góp vào việc đào tạo nhiều thế hệ đạo diễn, quay phim, diễn viên tài năng, tiếp thêm sức sống cho hoạt động sân khấu - điện ảnh, đặc biệt là của TPHCM và các tỉnh thành phía Nam của các thập niên 1980, 1990, 2000.
Xin vĩnh biệt nghệ sĩ Đoàn Dũng! Thế là từ hôm nay chúng ta không còn được nghe tiếng cười sảng khoái vì những niềm vui chợt đến, tiếng thét to phẫn nộ vì những điều gai mắt chướng tai; không còn được nhìn thấy những giọt nước mắt bất chợt ứa ra từ một trái tim dễ xúc động, dễ cảm thông với thân phận nhiều thử thách nghiệt ngã của một kiếp người… Tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng, từ trái tim mình, chúng ta muốn nói với ông rằng: Nền nghệ thuật nước nhà đã, đang và sẽ mãi mãi tồn tại, phát triển bởi có những nghệ sĩ lương tâm trong sạch, yêu ghét phân minh; tận tâm, hết lòng vì nghề đã chọn, như ông!
Nghệ sĩ Đoàn Dũng đã từng là Phó Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, Hiệu phó Trường Điện ảnh TPHCM, Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Sân khấu - Điện ảnh TPHCM. Nhiều học trò của ông hôm nay đã trở thành những nghệ sĩ tên tuổi được công chúng yêu sân khấu - điện ảnh tin yêu, mến mộ. Tưởng thưởng những đóng góp xứng đáng của ông, ông được phong tặng danh hiệu NSND đợt 4 năm 1997. |