Sáng 8-12, nhạc sĩ Phú Quang, người sở hữu một kho âm nhạc lãng mạn, trữ tình với những ca khúc mang màu hoài niệm đã nhẹ bước ra đi trong buổi sớm mùa đông, hưởng thọ 72 tuổi.
1. Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949 tại Phú Thọ, quê gốc ở Hà Nội, có nhà ở phố Khâm Thiên. Phú Quang chia sẻ rằng chính mình cũng không biết chính xác ngày sinh bởi sau khi sinh ông khoảng 3 tháng, mẹ ông mới đi làm giấy khai sinh cho ông và lấy ngày 13-10-1949 là ngày sinh. Về sau, Phú Quang đã sáng tác bài Sinh nhật đen để nói về ngày sinh của chính mình.
Gia tài của ông có khoảng 600 ca khúc, đặc biệt hàng trăm tác phẩm của ông được khán giả nhớ và thuộc nằm lòng. Đó là điều mà không mấy người sáng tác như ông có được. Có lẽ đó cũng là một trong những điều khích lệ Phú Quang tổ chức nhiều đêm nhạc của riêng mình. Trong giới âm nhạc, ông là một trong những nhạc sĩ chăm chỉ làm show và các đêm nhạc đều cháy vé. Sẽ không quá lời khi có người ví âm nhạc của Phú Quang giống như một thứ men say, dung dị mà ngấm lúc nào không hay. Chính bởi men say ấy mà những đêm nhạc của ông chưa bao giờ có sân khấu lộng lẫy cầu kỳ nhưng khán giả lại thấy ở đó một không gian sống động của âm thanh, của cảm xúc, của sự êm ái đến tha thiết trong mỗi ca từ...
Không chỉ khán giả say nhạc Phú Quang mà có lẽ chính ông cũng nhớ và yêu khán giả của mình không kém. Bởi vậy, các đêm nhạc Phú Quang không chỉ là để chiều khán giả như ông từng chia sẻ mà còn để nuôi dưỡng sự ấm áp, niềm đam mê sáng tác của chính mình. Ít có nhạc sĩ nào lại kỹ tính như Phú Quang.
Ông luôn tự phối khí toàn bộ tác phẩm của mình. Mỗi lần tổ chức đêm diễn, ông chăm chút từ kịch bản, phối khí đến poster, vé… bởi chỉ có như vậy ông mới có thể an tâm đem đến cho những người yêu mến nhạc Phú Quang những giá trị xứng đáng nhất.
Năm 2000, khi ấy Phú Quang đang ở giai đoạn cam go đấu tranh với bạo bệnh, những người yêu mến đã quyết định tổ chức đêm nhạc lấy tên một ca khúc của Phú Quang “Có một vài điều anh muốn nói với em” tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đó là một đêm diễn nhiều cảm xúc. Không chỉ là sự tri ân của ca sĩ, là mong muốn gửi gắm tình yêu, tiếp thêm sức mạnh tới Phú Quang, người nhạc sĩ mà họ yêu mến mà hơn thế, đó là không gian âm nhạc khiến mỗi người tự lắng lòng mình để mạnh mẽ hơn.
2. Trong kho tàng âm nhạc đồ sộ của mình, phần dành cho Hà Nội của nhạc sĩ Phú Quang nhiều hơn cả. Không sinh ra ở Hà Nội nhưng nhạc sĩ Phú Quang lớn lên và có tuổi trẻ đầy ký ức với nơi này, từ những con phố êm đềm cho tới trận bom B52 trút xuống Khâm Thiên năm 1972. Thế nên với ông, “mối tình đầu và mối tình đẹp nhất cũng đều ở Hà Nội”.
Ông là một phần của Hà Nội, nên lẽ đương nhiên ông thiên vị mảnh đất này. Ông quan sát Hà Nội kỹ, cảm nhận sâu, hiểu Hà Nội tỉ mỉ hơn người khác và bởi thế mà yêu say đắm. Nhạc của Phú Quang chủ yếu là tình ca. Những bản tình ca ấy được viết từ rung động, xúc cảm từ tình yêu có thật và cả sự mơ mộng, khát vọng, ám ảnh về tình yêu. Tình yêu trong âm nhạc Phú Quang không chỉ là cuộc tình của con người, mà còn là những giai điệu để tình tự với Hà Nội. Phú Quang viết như mê và cũng làm người Hà Nội say đắm anh đến cùng cực.
Đã có một thời gian dài (25 năm) ông làm việc và sinh sống tại TPHCM, sau đó Phú Quang lại về với Hà Nội. Ông kể, TPHCM cho mình nhiều thứ nhưng rồi nỗi nhớ Hà Nội đã đưa ông trở lại mảnh đất của những cây bàng xơ xác, những cơn gió mùa Đông Bắc lạnh đến da diết. Âm nhạc của Phú Quang gắn với Hà Nội, trở thành một “đặc sản” của Hà Nội với hàng loạt ca khúc: Im lặng đêm Hà Nội, Em ơi Hà Nội phố, Nỗi nhớ mùa đông, Tình khúc 24, Hà Nội ngày trở về, Chiều phủ Tây Hồ… Cũng bởi sự sâu lắng, cái chất rất riêng như vậy mà không phải ai cũng hát hay được nhạc của Phú Quang, song, những ai được mời hát trong đêm nhạc của ông, được đồng hành cùng ông trong hành trình âm nhạc đều là những nghệ sĩ có giọng hát chạm tới tim của khán giả.
Ông đã sống trọn vẹn một cuộc đời với đủ hỷ, nộ, ái, ố và giờ đây Hà Nội đã tiễn ông đi trong một ngày mùa đông nắng nhạt. “Người nghệ sĩ không còn lang thang hoài trên phố nữa mà đã dạo chơi ở một cảnh giới khác”, ca sĩ Tùng Dương đã viết những dòng tiễn biệt ông đầy xúc động như thế.
Hẳn là lúc này, khi ở trên cao xanh, ông sẽ lại tiếp tục ngao du với những con phố mùa đông thâm trầm mà thân thuộc, với những hàng cây xao xác heo may… Và với những người yêu nhạc, ông vẫn luôn ở gần đó trong mỗi giai điệu, thật giản dị thân thương.