Vượt qua định kiến…
Ngày xưa, những năm 1930 - 1940, ở Bạc Liêu, cô gái nhỏ Trần Thị Tỵ đã vượt qua định kiến về giới của người đời, khuôn phép của gia đình và rào cản tư duy của xã hội thời ấy, vốn cho rằng, là gái, nên lo việc gia đình, bếp núc; không nên học nhiều. Nhưng, cô gái nhỏ Trần Thị Tỵ đã chứng minh được việc học không chỉ là đặc quyền của nam giới.
12 tuổi, rời bỏ những cánh đồng cò bay thẳng cánh, cô gái nhỏ Trần Thị Tỵ lên nơi đô thành học tập, sau khi thi đậu vào trường nữ Gia Long tại Sài Gòn. Học hết bậc Đệ nhất cấp ở trường Gia Long cô nữ sinh Trần Thị Tỵ chuyển sang học chương trình Đệ nhị cấp ở trường Chasseloup Laubat và thi đậu Tú tài toàn phần. Sau đó, cô Tỵ vừa đi dạy, vừa đi học cho đến khi đỗ cử nhân Pháp văn ở Trường Đại học Văn Khoa và trở thành giáo sư dạy môn tiếng Pháp ở một ngôi trường của Sài Gòn.
Cô Trần Thị Tỵ, sinh năm 1929 tại tỉnh Bạc Liêu; Hiệu trưởng Trường nữ Trung học Gia Long Sài Gòn từ năm 1965 đến 1969 và là Hiệu trưởng Trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai từ năm 1975 đến 1992. Với những đóng góp đã có cho sự nghiệp “trồng người”, cô Trần Thị Tỵ trong những năm làm việc, được Chủ tịch nước phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, được Trung ương Đoàn tặng Huy chương Vì thế hệ trẻ và hiều Bằng khen khác…
Là cô giáo dạy Pháp văn, khả năng nói tiếng Pháp giỏi, lại thông minh, cô giáo Trần Thị Tỵ được Bộ Giáo dục của Chính quyền miền Nam khi ấy chọn cử đi học bồi dưỡng ở nước ngoài về các môn học tự nhiên. Sau khi về nước, cô được điều chuyển về giảng dạy các môn khoa học tự nhiên ( Lý - Hóa - Sinh) tại Trường nữ Trung học Gia Long.
Hai lần làm hiệu trưởng ở một ngôi trường danh tiếng
Những tưởng cuộc đời cô giáo Trần Thị Tỵ sẽ chỉ đứng trên bục giảng với phấn trắng bảng đen để truyền dạy kiến thức đầy sinh động cho các nữ sinh, nhưng năm 36 tuổi (1965) cô Trần Thị Tỵ được Thứ trưởng Bộ Giáo dục thời VNCH mời lên trao đổi và bổ nhiệm vào vị trí Hiệu trưởng Trường nữ Trung học Gia Long, tại Sài Gòn; một ngôi trường nữ bề thế, danh giá bậc nhất về chất lượng giáo dục và về nền tảng vật chất, thời ấy.
Những năm đầu ở vị trí mới, là hiệu trưởng của một ngôi trường có hơn 5.000 nữ sinh, với cô Trần Thị Tỵ không hề dễ dàng. Công việc mới đòi hỏi nhiều kiến thức mới, cách ứng xử mới và những lo toan mới. Nhưng với tấm lòng yêu thương học sinh và tinh thần trách nhiệm cao của một nhà giáo chân chính cùng trái tim yêu nghề, yêu người; cô hiệu trưởng Trần Thị Tỵ và tập thể giáo sư của những năm 1965 -1969 không chỉ làm tròn trách nhiệm của “những người đưa đò” mà còn từng bước nâng chất lượng dạy và học, đề ra kỷ luật học đường thật nghiêm với mục tiêu “dạy chữ song song với rèn người”, đưa danh tiếng của Trường nữ Trung học Gia Long trở thành một ngôi trường nữ uy tín nhất miền Nam, những năm ấy.
Năm 1975, sau khi đất nước được thống nhất, Sở Giáo dục Sài Gòn đã mời cô Trần Thị Tỵ quay lại trường, với vị trí hiệu trưởng Trường Nguyễn Thị Minh Khai. Trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi, khó khăn, gian nan cũng nhiều; cô đã cùng tập thể thày cô giáo trường Nguyễn Thị Minh Khai nỗ lực, phân đấu không mệt mỏi để giữ vững danh tiếng của ngôi trường hàng trăm năm tuổi, làm nền móng cho sự phát triển bền vững của trường, cho đến ngày hôm nay.
Chuyện xưa giờ mới kể
“Một trí óc minh mẫn sẽ phát triển tốt trong một cơ thể khỏe mạnh”, với suy nghĩ ấy, những năm 1965 -1969, cô Trần Thị Tỵ đã vận động xây mới một thư viện trong khuôn viên trường nữ Trung học Gia Long, với nhiều ngàn đầu sách để phục vụ việc tra cứu của giáo viên và học sinh.
Để nâng thể chất cho thày trò trong trường cô vận động phụ huynh, các sở ngành liên quan xây hồ bơi chất lượng cấp quốc gia cũng trong khuôn viên nhà trường. Cô vận động hội phụ huynh chung tay xây dựng võ đường Vovinam, Aikido; sân bóng rổ. Phòng thí nghiệm hóa của trường xây dựng với sự góp sức của phụ huynh học sinh cũng đạt chuẩn quốc gia những năm 1967- 1970.
Thật khó mà quên được, sự ấm áp của tấm lòng người mẹ, sự nghiêm khắc của một người cha và kỷ niệm đẹp những năm đèn sách nơi mái trường thân yêu, nơi tâm sức của cô Trần Thị Tỵ được thể hiện qua sự thành đạt của bao thế hệ học sinh trường Gia Long, Minh Khai, như: bà Nguyễn Ngọc Dung, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Liên Hiệp Quốc; bà Võ Thị Thắng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; bà Đoàn Lê Hương, nguyên Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam; bà Lê Tú Cẩm, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TPHCM; TS. Bs Vũ Thị Nhung (nguyên GĐ BV phụ sản Hùng Vương)...
Thời gian trôi nhanh quá. Bao nhiêu người đã đi xa, bao nhiêu người còn ở lại… Vật đổi sao dời và cuộc đời thay đổi theo quy luật ngàn đời vẫn có - Có gặp gỡ ắt có chia xa; kẻ ở người đi, đoàn tụ rồi biệt ly... Vạn pháp quả thật vô thường.
Nhiệm vụ người đưa đò đã hoàn thành, cô đã sang bờ bến mới. Vẫn biết chẳng có cuộc hội ngộ nào kéo dài mãi mãi, cuộc đời vẫn có những cuộc chia ly bắt buộc theo quy luật muôn đời. Bây giờ đây, giây phút sinh ly tử biệt đã đến, chúng em xin kính tiễn cô đi thanh thản trên đường xa vạn dặm…