Ông là nhà biên kịch và đạo diễn phim tài liệu đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Tôi chơi thân với con trai ông - NSƯT Dương Minh Đức từ lâu và coi bố mẹ bạn cũng như bố mẹ mình...
Dịp kỷ niệm Ngày Nam bộ kháng chiến năm nay, Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam nhờ chúng tôi kết nối với ông Nguyễn Thọ Chân, ghi hình, làm phóng sự. Đã lên đường đi Bà Rịa, nơi ông nghỉ dưỡng, mới biết ông đã chuyển về Cần Thơ. Như có linh tính mách bảo, tôi nghĩ ngay ra “địa chỉ” mới: NSƯT Dương Minh Đẩu. Ông từng tham gia đánh nhau với quân Pháp ngày 23-9-1945 ở trung tâm Sài Gòn, sau đó được cử đi học quân chính ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai rồi bắt đầu cuộc đời nhà binh.
Các bạn trẻ bên Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam đồng ý liền vì được gặp một kho tư liệu sống về Sài Gòn và Nam bộ kháng chiến là ông Dương Minh Đẩu. Ông lại là người nói chuyện có duyên, hào sảng. Các bạn trẻ lên ngay ý tưởng sẽ làm một bộ phim về lão đạo diễn Dương Minh Đẩu truyền tình yêu nghề nghiệp cho thế hệ sinh viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Phóng sự phát trên VTV1 đúng chiều chủ nhật 23-9, nhưng ông nhập viện, chưa kịp xem... Ngày 27-9-2018, gia đình nghệ sĩ Dương Minh Đẩu hẹn tổ chức mừng ông bước sang tuổi 91 và bà 87 tuổi, thế nhưng ông lên cơn suyễn, rồi ra đi mãi mãi...
Ông sinh ngày 27-9-1928 tại Hà Nội, bút danh là Bùi Phương, tham gia cách mạng từ tháng 3-1945 tại Sài Gòn. Trước khi chuyển sang hoạt động điện ảnh, ông là giảng viên lý luận ở Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Tác phẩm đầu tay do ông làm đạo diễn là phim tài liệu ca nhạc mang tên Văn công với hội diễn toàn quân (1962); từ đó tới năm 1981, ông đã làm 14 phim tài liệu thuộc Điện ảnh Quân đội và Xưởng phim Quân giải phóng với chức danh biên kịch kiêm đạo diễn, trong đó tiêu biểu là những phim: Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược (sản xuất năm 1965 - Bông sen vàng tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ I, 1970); Vài hình ảnh Xuân 68 (Bông sen bạc LHP Việt Nam, lần thứ I); Campuchia, đó là 3+4 (Giải Bồ câu vàng tại LHP quốc tế Lepzich, 1979). Thời kỳ ở Đài Truyền hình Việt Nam, ông đã thực hiện 20 bộ phim, trong đó biên kịch các phim tài liệu: Những người con của Apsara (1981), Khi đất và người gặp gỡ (1982), Những ngọn đèn trong đêm (1983).
Sau khi nghỉ hưu, vào sống tại TPHCM, ông làm biên kịch phim tài liệu lịch sử Miền Đông gian lao và anh dũng (1994); biên kịch kiêm đạo diễn các phim: Nam bộ kháng chiến (1996, Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu) và Phong trào Nam tiến (1997, Trung tâm Nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam).