Sau một thời gian lâm trọng bệnh, nhập viện cấp cứu, từ Bệnh viện Nguyễn Trãi đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, dù được các y bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng đến đầu tuần này, khi sức khỏe của NSND Huỳnh Nga chuyển biến xấu, gia đình đã quyết định đưa ông về nhà.
Đến 8 giờ 5 phút sáng 21-2, NSND Huỳnh Nga đã trút hơi thở cuối cùng tại tư gia ở chung cư Khánh Hội 1, quận 4, TPHCM, hưởng thọ 87 tuổi.
Năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền tại huyện Thủ Thừa, Long An. Đến năm 1947, bị lộ bí mật, ông phải vô khu Đồng Tháp Mười làm việc ở Ban Tuyên truyền chính trị Quân khu 8, tham gia hoạt động trong Đoàn kịch Khu 8 với vai diễn đầu tiên là vai Tốt trong vở Đồng xanh máu đỏ của nhà thơ Bảo Định Giang. Tiếp đó là các vở Miếng sắt cũ, Mưu dân quân… Năm 1954 ông tập kết ra Bắc theo Tiểu đoàn 311. Đến năm 1957, Trung ương có chủ trương thành lập Đoàn Kịch nói Nam Bộ, NSND Huỳnh Nga và 8 nghệ sĩ đã cùng bàn bạc và chung tay thành lập Đoàn Kịch nói Nam Bộ, hình thành chiếc nôi của kịch nói Nam Bộ trên đất Bắc. Cuối năm 1959, ông vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1968, ông chính thức chia tay nghề diễn viên để theo học đạo diễn tại Romania. Năm 1972, ông về nước làm chỉ đạo nghệ thuật cho Đoàn Kịch Hà Nội, đảm nhận nhiệm vụ chủ nhiệm Khoa Kịch nói – Cải lương Trường Trung cấp Nghệ thuật Hà Nội. Tháng 8-1975, ông vào Nam, tiếp tục sự nghiệp dàn dựng cải lương.
Trong hành trang nghệ thuật của mình, NSND Huỳnh Nga tạo dấu ấn đặc biệt, là một nghệ sĩ – đạo diễn tài hoa đã dàn dựng gần 300 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm đỉnh cao, là khuôn mẫu của sân khấu cải lương hôm nay như: Đời cô Lựu, Tấm Cám, Người giữ mộ, Tiếng sáo đêm trăng, Khách sạn Hào Hoa, Gánh cỏ sông Hàn, Hoa độc trong vườn, Tìm lại cuộc đời, Tanhia… Những tác phẩm của ông đã tạo vị trí lớn mạnh cho sân khấu cải lương thời hoàng kim. Đặc biệt, với vở diễn Đời cô Lựu, một tác phẩm sân khấu đậm tính nhân văn và ấn tượng khó quên đối với công chúng, hầu hết các nghệ sĩ, đạo diễn, nhạc sĩ tham gia vở diễn đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND như: Viễn Châu, Diệp Lang, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Thanh Hải, Thanh Tòng…
Trong từng tác phẩm, NSND Huỳnh Nga dàn dựng bằng tất cả sự sáng tạo vượt trội, ông biến mỗi trang bản thảo văn học thăng hoa trên sàn diễn, cuốn hút người xem với từng số phận nhân vật, được thể hiện mộc mạc, chân phương, gần gũi, đầy chất tình, chất đời, chất tự sự, nhưng cũng rất nồng nàn, chất đầy ngọn lửa nóng ấm, mãnh liệt, đậm tính thời đại, dễ dàng đi sâu vào lòng người. Không chỉ vậy, mấy chục năm qua, giới sân khấu vẫn luôn nhận định rất rõ, ông còn là người đã chú ý đào tạo, dìu dắt và truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều lớp nghệ sĩ trẻ, đặc biệt giúp tạo nên một thế hệ nghệ sĩ vàng cho sân khấu như: Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Thanh Tòng, Minh Vương... giúp cho bao thế hệ nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương miền Nam phát huy được thực lực, niềm đam mê và sức sáng tạo trên sàn diễn.
Ông cũng thường di chuyển liên tục đến các tỉnh thành, từ miền Trung vào đến mũi Cà Mau, ra sức hỗ trợ thành lập Liên Chi hội Sân khấu ĐBSCL, tạo hiệu ứng rất tốt trong việc phát triển những tác phẩm sân khấu phục vụ khán giả qua chương trình Giai điệu đồng bằng và hai mùa Giải thưởng Trần Hữu Trang lần thứ 11 và 12, được tổ chức tại tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang… Với tài năng, kinh nghiệm nghề dày dặn, sống đậm tình, trọn nghĩa, NSND Huỳnh Nga luôn được nghệ sĩ nhiều thế hệ kính trọng, yêu quý.
Nay ông – một cây đa cây đề của sân khấu đã ra đi, để lại biết bao niềm tiếc thương cho người thân, đồng nghiệp, học trò, khán giả mộ điệu!
Linh cữu NSND Huỳnh Nga được quàn tại Nhà tang lễ Thành phố. Sau đó ông được đưa đi an táng tại đất nhà ở Mộc Hóa, tỉnh Long An.