Nhà văn Lê Thành Chơn, sinh năm 1938 xã Tân Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ông là một cựu thiếu tá quân đội và là một doanh nhân, đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 13 giờ, ngày 10-9 tại nhà riêng ở TPHCM.
Nhà văn Lê Thành Chơn nguyên là sĩ quan không quân có mặt trong hàng trăm trận đánh với nhiệm vụ là sĩ quan dẫn đường cho phi công của ta tiến công địch. Với tư cách nhà văn, ông viết nhiều, viết khỏe, đặc biệt thành công trong việc khắc họa hình tượng những phi công của Binh chủng Không quân Việt Nam Anh hùng.
Không chỉ thành công trên lĩnh vực kinh doanh, nhà văn Lê Thành Chơn còn để lại tên tuổi của mình thông qua nhiều giải thưởng văn chương uy tin: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với tập ký Anh hùng trên chín từng mây (1996), giải thưởng cuộc thi viết tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an tổ chức 1998-2000 với tiểu thuyết Bản án tản thất quân dụng, giải thưởng cuộc thi viết tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 1998-2000 với tiểu thuyết Canh năm, giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi viết phóng sự ký sự Báo Sài Gòn Giải Phóng (2005).
* Cùng ngày, Đại tá - Nhà văn Nguyễn Quốc Trung, sinh năm 1956 tại xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã từ trần vào lúc 13 giờ 50 tại Bệnh viện Quân y 175 sau 2 tuần điều trị Covid-19.
Năm 1974, vừa học hết phổ thông, nhà văn Nguyễn Quốc Trung gia nhập quân đội, thuộc Sư đoàn 341 chủ lực do Tư lệnh Trần Văn Trân chỉ huy tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975. Chính hành trình ngắn ngủi cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã trở thành một phần chất liệu sống cho những trang viết về sau của ông.
Là người sáng tạo không ngừng, ông liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng văn học uy tín của Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Bộ Quốc phòng và giải thưởng văn học sông Mê Kông lần thứ nhất năm 2007 cho hai tiểu thuyết Người đàn bà khóc mướn và Đất không đổi màu. Vào năm 1982, ông nhận giải nhất cuộc thi truyện ngắn do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức với tác phẩm Những tia chớp phía chân trời.
Trước sự ra đi của hai nhà văn trong cùng một ngày, nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM gọi đây là mất mát lớn cho Hội Nhà văn TPHCM nói riêng và làng văn của cả nước nói chung. “Cả hai nhà văn đều thuộc thế hệ trước, có bề dày hoạt động trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chính nhờ được sống trong môi trường đặc biệt như vậy nên họ ít nhiều để lại dấu ấn bởi những đề tài riêng thông qua những tác phẩm của mình”, nhà văn Trầm Hương chia sẻ.