Nhà khoa học có bộ óc siêu việt
GS Hà Văn Tấn sinh năm 1937 tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (cùng làng với đại thi hào Nguyễn Du) - một vùng đất, một dòng họ hiếu học và có truyền thống khoa bảng với nhiều danh nhân hiền tài. Khi còn nhỏ, ông sống và học tập ở quê hương, thừa hưởng truyền thống gia đình, dòng họ và mảnh đất văn hiến nơi ông sinh ra. Thi đỗ khoa Sử, ĐH Sư phạm, năm 1957, ở tuổi 20, GS Tấn đã tốt nghiệp đại học và ở lại trường làm cán bộ bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam, ĐH Sư phạm, do GS Đào Duy Anh phụ trách.
GS Hà Văn Tấn là Chủ nhiệm Bộ môn Phương pháp luận sử học, Khoa Lịch sử (1982-2009); Viện trưởng Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam (1988-2008). Với học trò và đồng nghiệp, ông là một con người “siêu việt”. Nhờ tự học ông đã thông thạo, sử dụng tốt chữ Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật. Ông học tiếng Đức qua sách tiếng Nga, tiếng Nhật qua sách tiếng Trung Quốc rồi còn tự tìm cách học tiếng Sanskrit (Phạn) - ngôn ngữ Ấn Độ cổ đại rất khó học. Với ông, ngoại ngữ chỉ là chìa khóa chứ không phải mục đích và quả vậy, ngoại ngữ đã giúp ông rất nhiều trên hành trình khoa học của mình.
Bên cạnh chuyên môn về lịch sử, GS Tấn còn là người am hiểu và xuất sắc ở nhiều lĩnh vực khác nhau như ngôn ngữ học, Hán Nôm, Phật học, triết học… “Giáo sư ra đi là sự mất mát rất lớn cho ngành lịch sử nói chung cũng như ngành khảo cổ học và một số ngành khoa học xã hội. GS Hà Văn Tấn để lại dấu ấn của mình trên các lĩnh vực ấy với những sản phẩm khoa học được đánh giá rất cao”, TS Nguyễn Gia Đối, quyền Việt trưởng Viện Khảo cổ học bày tỏ.
Góp phần xây nền móng khảo cổ học Việt Nam
Không có nhiều cơ hội được làm việc cũng như học hỏi, nhưng ấn tượng của TS Lâm Thị Mỹ Dung về GS Hà Văn Tấn rất đặc biệt: “Thầy Tấn là người chuyên sâu nghiên cứu khoa học, chỉ vì khoa học. Thầy luôn kêu gọi khảo cổ học phải thực sự khách quan, thật sự cập nhật… Thầy rất quan tâm tới sự kết nối liên ngành của khảo cổ học, các ngành, phương pháp khoa học tự nhiên như toán học, máy tính… đều được thầy đưa vào các chương trình giảng dạy”.
GS Hà Văn Tấn có hiểu biết rộng trên nhiều lĩnh vực nhưng khảo cổ là một trong những lĩnh vực thầy chuyên sâu nhất. Thầy tiếp cận rất kịp thời những học thuật nước ngoài, có mối quan hệ rộng với quốc tế, đặc biệt là Đông Nam Á. Nói đến khảo cổ học Việt Nam, bao giờ giới sử học cũng nhắc đến thầy Tấn - TS Dung chia sẻ.
Những người tâm huyết với khảo cổ học đều cảm nhận được sự hụt hẫng khi GS Hà Văn Tấn ốm sớm quá, khi đang ở độ chín của học thuật. Nhiều vấn đề về khảo cổ học thầy đặt ra cho đến ngày hôm nay vẫn chưa giải quyết được như câu chuyện Hoàng Thành - Thăng Long hay nghiên cứu văn hóa Phùng Nguyên. Đóng góp của thầy Tấn chưa có nhà khảo cổ học nào trong nước làm được, tức là nghiên cứu khảo cổ học một cách bài bản, nghiên cứu khảo cổ học theo đúng lĩnh vực chuyên sâu của ngành khảo cổ học…
Giờ đây, GS Hà Văn Tấn, người cuối cùng của “tứ trụ” huyền thoại của lịch sử đương đại (GS Trần Quốc Vượng, GS Đinh Xuân Lâm, GS Hà Văn Tấn, GS Phan Huy Lê) đã ra đi. Song những cống hiến của ông trong lĩnh vực sử học, khảo cổ học, ngôn ngữ học… sẽ luôn sống mãi.
Trong cuộc đời gần 50 năm nghiên cứu gắn với giảng dạy, ông đã hướng dẫn 25 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, công bố 298 bài báo, tham luận, nghiên cứu khoa học trên các tạp chí trong và ngoài nước. GS Hà Văn Tấn còn là tác giả và đồng tác giả của hàng chục cuốn sách. Ông được Nhà nước phong tặng học hàm giáo sư (1980) và danh hiệu Nhà giáo nhân dân (1997). Năm 2001, ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II về khoa học. Lễ viếng Giáo sư, NGND Hà Văn Tấn tổ chức từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 ngày 2-12 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. |