Ngày 21-1, tại Hà Nội, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật, cố họa sĩ Phan Kế An đã rời cõi tạm ở tuổi 95, trở về với thế giới của người hiền.
Họa sĩ Phan Kế An sinh năm 1923, quê ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Ông theo học khóa 18 (1944 - 1945) tại Trường Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux - Arts de l’Indochine), nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1957.
Trong giới hội họa, mọi người đều nhớ về họa sĩ Phan Kế An là con người ham đi, ham vẽ. Trong suốt sự nghiệp của mình họa sĩ đã vẽ cả ngàn bức tranh với nhiều chất liệu khác nhau, như sơn mài, sơn dầu, lụa; hàng trăm bức bột màu, màu nước, đồ họa với mọi đề tài phong phú. Đỉnh cao là Nhớ một chiều Tây Bắc, tranh sơn mài của ông hiện lưu trữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nhớ một chiều Tây Bắc là một tác phẩm hội họa xuất sắc trong những tác phẩm về kháng chiến chống Pháp. Phan Kế An là một trong số rất ít họa sĩ vinh dự được tổ chức cử đến ở và vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ngay nơi ở và cũng là cơ quan làm việc của Người ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, tại chiến khu Việt Bắc, năm 1948. Chính vì thế, cũng dễ hiểu vì sao trong gia tài hội họa của người họa sĩ tài hoa này, hình ảnh về Bác luôn chiếm vị trí nổi bật…
Họa sĩ Phan Kế An cũng được xem là một trong lứa những người đầu tiên đặt nền móng cho mỹ thuật Việt Nam hiện đại, có công tìm ra hai gam màu xám xanh và xanh chàm nổi tiếng trong tranh sơn mài. Tranh của ông chứa phong cách hiện thực, tập trung nhiều đề tài gắn bó với lãnh tụ, kháng chiến, sinh hoạt của các dân tộc miền núi, trung du bằng cảm xúc chân thực và sâu lắng. Họa sĩ sớm nổi tiếng ở trong nước cũng như ở nước ngoài với nhiều bức tranh được in và phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức khác nhau. Bức Gác chuông (vẽ chùa Trăm gian) và Bụi nứa miền xuôi của ông được đặt ở vị trí trang trọng trong Viện bảo tàng Emitage và Bảo tàng Phương Đông - Nga. Tranh phong cảnh, tĩnh vật của ông có ở bảo tàng nhiều nước. Tên ông được ghi trong Từ điển Bách khoa Mỹ thuật của Liên Xô và CHDC Đức. Ông ba lần nhận giải nhất trong các triển lãm mỹ thuật toàn quốc vào các năm 1951, 1955, 1960, trong đó bức sơn mài Nhớ một chiều Tây Bắc được ông sáng tác khi mới ngoài 30 tuổi. Không chỉ thành công ở thể loại tranh sơn mài, tranh sơn dầu, ông còn nổi tiếng ở thể loại ký họa, vẽ tranh đả kích dưới bút danh Phan Kích. Nhiều bức tranh đả kích của ông đăng trên Báo Sự thật những năm 50, đến nay bạn đọc vẫn còn nhớ như in. Bên cạnh chân dung Hồ Chủ tịch nổi tiếng ông vẽ năm 1948, hầu hết các văn nghệ sĩ có uy tín ở ta đều được đôi bàn tay tài hoa của ông khắc họa.
Họa sĩ Trần Khánh Chương kể: “Những năm gần đây, tuy tuổi cao sức yếu nhưng họa sĩ Phan Kế An vẫn tiếp tục sáng tác những tác phẩm mới và tham gia các hoạt động của hội. Cách đây hơn một tháng, ông ngồi xe lăn đến dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông được các đại biểu, các thế hệ mỹ thuật kính trọng…”. Lễ viếng, truy điệu họa sĩ Phan Kế An sẽ tổ chức sáng 25-1 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội). An táng cùng ngày tại Gò Áng Độ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.