Vĩnh biệt anh Sáu Khải

Trong khi bài thơ của tôi viết để tặng anh còn chưa ráo mực, thế mà anh đã vội vĩnh biệt non sông đất nước để bước “sang kiếp khác”, để phiêu diêu trong cõi vĩnh hằng.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và tác giả Trần Hữu Phước tại cuộc họp bàn về vấn đề bảo tồn và tôn tạo Chiến khu Đồng Tháp Mười ngày 26-5-2009
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và tác giả Trần Hữu Phước tại cuộc họp bàn về vấn đề bảo tồn và tôn tạo Chiến khu Đồng Tháp Mười ngày 26-5-2009
Chỉ mới cách đây chưa đầy 2 tháng, trong dịp kỷ niệm 85 năm ngày sinh anh Sáu Khải (đồng chí Phan Văn Khải), tôi đã đến nhà để chúc mừng và tặng anh một bài thơ tình nghĩa. Trong đoạn kết bài thơ, tôi đã viết:
“Chín năm tình nghĩa đôi bạn già.
Cuộc đời gắn bó anh em ta
Mai này dẫu có sang kiếp khác
Hình bóng bạn xưa xóa chẳng nhòa”.
Nào có ai ngờ cái quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” của cuộc đời này thật là nghiệt ngã. Trong khi bài thơ của tôi viết để tặng anh còn chưa ráo mực, thế mà anh đã vội vĩnh biệt non sông đất nước để bước “sang kiếp khác”, để phiêu diêu trong cõi vĩnh hằng.
Đối với tôi, anh Sáu Khải là bạn đồng niên, cùng hoàn cảnh xuất thân trong gia đình nông dân ở miền quê Nam bộ, đã tham gia kháng chiến chống Pháp trong quãng đời niên thiếu, được đi tập kết ra miền Bắc và được du học trên mảnh đất quê hương của Cách mạng Tháng Mười. Trong gần 10 năm cuối đời anh Sáu, mối quan hệ giữa anh và tôi ngày càng mật thiết. Chúng tôi gắn bó với nhau cùng một số cán bộ lão thành chí cốt để chỉ đạo thực hiện việc bảo tồn và tôn tạo toàn bộ các căn cứ địa cách mạng của Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ.
Người xưa đã nói: “Đánh giá chính xác về một con người, khi nào người đó đã được đậy nắp quan tài”. Điều tâm nguyện của tôi là, làm sao có thể rút ra được những giá trị tinh hoa về tư tưởng trong con người và cuộc đời, trong thân thế và sự nghiệp của anh Sáu Khải để giúp thêm cho mình học hỏi và tự hoàn thiện.
1. Nhân vật Paven Coócsaghin và cuộc đời người chiến sĩ trẻ  Phan Văn Khải
Trong phần mở đầu bản thảo quyển sách tự truyện chưa xuất bản, anh Sáu Khải đã viết như sau: “7 năm tham gia kháng chiến chống Pháp là những năm gian lao nguy hiểm và thử thách ghê gớm nhất trong cuộc đời tôi. Từ một thiếu niên ra đi vì thù nhà nợ nước, tôi đã trưởng thành như một thanh niên có hoài bão và nghị lực, có lý tưởng và chí hướng. Về sau đọc “Thép đã tôi thế đấy” tôi thực sự vô cùng đồng cảm với nhân vật Paven Coócsaghin, đó chính là tấm gương phản chiếu thời đại của tôi và cuộc đời tôi. Những thử thách khốc liệt của cuộc kháng chiến đã trui rèn tôi như thép được tôi qua lửa đỏ”.
Hãy còn một nhân tố rất quan trọng đã góp phần hình thành phẩm chất và đạo đức cách mạng của Phan Văn Khải, đó chính là ông ngoại của anh tên là Phan Văn Ngoan. Cụ là một lão nông xuất thân từ hội viên tổ chức Thiên Địa hội nổi tiếng chống Pháp ở huyện Hóc Môn trong những thập niên đầu thế kỷ 20. Cụ còn là một nghĩa quân tham gia cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 1940. Chất “thép” trên đất Củ Chi trong con người Phan Văn Khải đã được trui trong ngọn lửa tình cảm yêu nước sáng rực của cụ. Đọc thiên hồi ký sống động của anh Sáu Khải, tôi đặc biệt thú vị được biết khi mới lên 8 tuổi, Phan Văn Khải đã là một liên lạc viên, một chú tiểu đồng ngày ngày lén ra bưng để tiếp tế cơm nước và cung cấp tin tức cho ông ngoại và đội nghĩa quân Hóc Môn sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại. Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, lúc mới lên 14 tuổi, Phan Văn Khải đã “mang ngang vai nóp với giáo” để xông ra tiền tuyến.
2. Phan Văn Khải - một con ngườithuần chất Nam bộ, sống rất trọng đạo lý nghĩa tình, đầy lòng nhân ái vị tha
Ngay trong những tháng năm đầu xanh tuổi trẻ, lúc còn đang tu nghiệp trong giảng đường của Trường Đại học Kế hoạch hóa Mátxcơva, bạn bè sinh viên, nghiên cứu sinh của Việt Nam, của Nga và nhiều nước đã thân mật gọi Phan Văn Khải bằng biệt danh “đốp-prưi triê-la-véc” (nghĩa tiếng Nga là người hiền lành, tốt bụng).
Anh Sáu Khải là người “hiền lành, tốt bụng” từ thuở hàn vi cho đến khi đạt đến tột đỉnh của người quyền cao chức trọng. Tấm lòng thương dân của Phan Văn Khải thật là nồng nàn. 62 năm trước đây, trong thời gian đầu mới tập kết ra miền Bắc, là một cán bộ mới 23 tuổi, anh được cử đi tham gia công tác giảm tô và cải cách ruộng đất ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng tại xã Cát Lại, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Được tận mắt chứng kiến cảnh sống thiếu đói của bà con nông dân ở địa phương, Phan Văn Khải rất đau lòng. Mặc dù lương bổng ngày ấy chỉ có “ba cọc ba đồng”, song anh đã dốc sạch túi lấy tiền mua dây khoai lang rồi vận động bà con nông dân trồng khoai cứu đói. Việc làm này của anh Sáu đã gây ra sự ngạc nhiên và xúc động sâu sắc trong nhân dân địa phương và trong Đoàn ủy Cải cách ruộng đất ở tỉnh Hà Nam. Đoàn ủy đã trân trọng kiến nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho Phan Văn Khải về thành tích chống đói cho dân. Đây quả là một điều hy hữu.
Công tác ở địa phương nào, Phan Văn Khải cũng đều được bà con nông dân thương yêu quý mến. Anh đã được gia đình cụ Xu ở thôn Võng Ngoại, làng Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây nhận làm con nuôi. Có một điều rất ngoạn mục là, khi anh Sáu Khải cưới vợ, đám cưới của anh và chị Nguyễn Thị Sáu đã được tổ chức ở nông thôn miền Bắc - tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, nơi anh đang tham gia công tác cải cách ruộng đất.
Mặc dù là người đạt đến đỉnh cao của quyền lực, nhưng Phan Văn Khải trước sau vẫn sống rất thủy chung với đồng chí bạn bè. Chỉ nói riêng với gia đình tôi trong 10 năm qua đã được anh Sáu Khải tới thăm nhiều lần. Kế thừa tập tục truyền thống tốt đẹp của người dân Nam bộ, mỗi khi đến thăm nhà bạn, anh Sáu đều mang theo những thứ đặc sản của quê anh để làm quà tặng như: thịt bò Củ Chi, bánh tráng Củ Chi, các loại cá đồng và hoa quả trong vườn nhà anh như chuối, mít, bưởi, xoài… Tết năm nay tuy lâm trọng bệnh phải nằm điều trị ở nước ngoài, song anh vẫn không quên dặn các con gửi quà tết cho bạn bè, trong đó có gia đình tôi.
Anh Sáu Khải là một nhà lãnh đạo có sức mạnh quy tụ, tập hợp cán bộ bằng tấm lòng ưu ái, bằng thái độ đoàn kết, chân thật, tôn trọng, cởi mở và thân thiện. Những ai được tiếp xúc với anh Sáu, ngay trong buổi đầu gặp gỡ, cũng đều nhanh chóng có thiện cảm với anh bởi thái độ giao tiếp niềm nở, cách nói năng khoan thai, từ tốn và những nụ cười đôn hậu.
Đối với các cán bộ thuộc cấp, anh chẳng bao giờ “đe”, “búa” hoặc quở trách nặng lời ai cả. Anh chinh phục nhân tâm bằng đức trị. Cách nói của anh được diễn đạt trong những ngôn từ chắt lọc, có tình cảm, có văn hóa, khiến cho người nghe được tiếp thu trong sự thấu lý, đạt tình.
3. Phan Văn Khải - một con người giàu lòng tâm huyết và có ý chí tiến công mạnh mẽ
Anh Sáu Khải có một quá trình công tác thật đẹp:
- 7 năm tham gia kháng chiến chống Pháp ở tỉnh Gia Định, Gia Định Ninh.
- 18 năm làm việc ở miền Bắc và đi du học ở Liên Xô (5 năm học tại Trường Đại học Kế hoạch hóa Mátxcơva).
- 2 năm công tác ở chiến khu Bắc Tây Ninh.
- 13 năm tham gia công tác lãnh đạo ở thành phố Hồ Chí Minh (Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; Phó Chủ tịch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; Thành ủy viên, Ủy viên Thường vụ, Phó Bí thư Thành ủy).
- 2 năm làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trung ương.
- 5 năm làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Thủ tướng thường trực.
- 9 năm làm Thủ tướng Chính phủ (2 nhiệm kỳ).
Ấn tượng sâu đậm của Phan Văn Khải qua 13 năm tham gia công tác lãnh đạo ở thành phố Hồ Chí Minh là đã cùng với tập thể Thành ủy tìm ra những mô hình quản lý mới về kinh tế - xã hội; đã mạnh dạn đề ra những biện pháp để tháo gỡ khó khăn nhằm thoát khỏi sự ràng buộc của cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp.
Trong 9 năm làm Thủ tướng của anh Sáu Khải (từ ngày 25-9-1997 đến nay 27-6-2006), đã được đánh giá như sau:
- Hội nghị Trung ương IX nhận xét về nhiệm kỳ đầu của Phan Văn Khải làm Thủ tướng: “Nền kinh tế của đất nước đạt được những thành tựu quan trọng”. Hội nghị Trung ương X nhận xét về nhiệm kỳ hai của Phan Văn Khải làm Thủ tướng: “Nền kinh tế đất nước đạt được những thành tựu rất quan trọng”.
Nhìn chung, trong thời kỳ này, Việt Nam tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh. Chúng ta không thể nào quên khi anh Sáu Khải lên làm Thủ tướng, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997 xảy ra nghiêm trọng. Nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, song nước ta đã vượt qua được cuộc khủng hoảng. Trong đó có công đóng góp không nhỏ của anh Sáu Khải.
Những năm tháng ấy, nước ta được Liên hiệp quốc khen là “đã đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo trước 10 năm do Liên hiệp quốc đề ra”.
Trong lĩnh vực mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Phan Văn Khải đã để lại ấn tượng hết sức ngoạn mục. Anh là vị Thủ tướng đầu tiên của nước ta đã thực hiện chuyến đi thăm lịch sử tới Hoa Kỳ vào tháng 6-2005 sau 30 năm kết thúc chiến tranh và sau 10 năm mối quan hệ bang giao Việt - Mỹ được bình thường hóa.
Anh Sáu Khải đã cống hiến quên mình cho đất nước, anh có tinh thần trách nhiệm rất cao trước Đảng và nhân dân. 12 năm trước đây, trong phiên họp Quốc hội ngày 16-6-2006, anh Sáu đã xúc động bước lên hội trường đánh giá lại những mặt được và những vấn đề còn trăn trở của đất nước trong 15 năm anh đứng trên cương vị lãnh đạo của Chính phủ (6 năm làm Phó Thủ tướng và 9 năm làm Thủ tướng). Với tinh thần nghiêm túc tự phê bình, anh nói rõ bên cạnh những thành tựu nổi bật, công tác điều hành Chính phủ còn nhiều yếu kém. Và anh “xin nhận lỗi trước đồng bào”. Hội trường Quốc hội hôm ấy vang dậy tiếng vỗ tay. Đồng chí Tổng Bí thư của Đảng lên siết chặt tay người đứng đầu Chính phủ.
Sau 59 năm tham gia công tác cách mạng và sau 2 nhiệm kỳ làm Thủ tướng, năm 73 tuổi Phan Văn Khải đã rời khỏi chính trường để trở về cuộc sống giữa đời thường.
Trong 12 năm nghỉ hưu, nhận lời mời của các Tỉnh ủy Cà Mau, Đồng Tháp, Tây Ninh và Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Phan Văn Khải đã cùng với một số cán bộ lão thành chí cốt tích cực tham gia vào công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện việc bảo tồn và tôn tạo toàn bộ các căn cứ địa kháng chiến của Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam trên chiến trường Nam bộ trong 2 cuộc kháng chiến ở Đồng Tháp Mười, rừng U Minh và chiến khu Bắc Tây Ninh.
Đến nay, anh đã đứng mũi chịu sào trong việc chỉ đạo việc tổ chức biên soạn ấn hành 7 cuốn sách hồi ký kháng chiến dài khoảng 5.000 trang, 2 bộ phim tư liệu lịch sử, chỉ đạo xây dựng 2 nhà trưng bày hình ảnh, tư liệu và hiện vật của cuộc kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Đồng Tháp Mười và U Minh.
Trong 2 năm qua, anh Sáu Khải làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn để xuất bản cuốn sách hồi ký hoành tráng viết về: “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc - dân chủ - hòa bình Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”. Sách do Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện. Đáng tiếc biết bao, trong khi công tác tổ chức bản thảo quyển sách đang bước vào giai đoạn kết thúc, anh Sáu Khải lâm trọng bệnh và đã qua đời.
Sau khi trở về với cuộc sống giữa đời thường, Phan Văn Khải còn đặc biệt quan tâm đến sự đền ơn đáp nghĩa đối với mảnh đất quê hương. Đích thân anh đã làm Chủ tịch Hội Khuyến học của xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Anh đã nỗ lực trong việc xây dựng các ngôi trường tiểu học ở Tân Thông Hội đạt tiêu chuẩn của ngành giáo dục. Anh còn tham gia đi vận động xây dựng trường THPT ở xã Tân Thông Hội, vận động các nhà hảo tâm cùng với nhân dân địa phương góp công, góp của để phục dựng lại ngôi đình cổ của làng Tân Thông Hội nhằm bảo tồn những giá trị tinh hoa truyền thống sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn.
***
Nghiêng mình vĩnh biệt anh Sáu Khải về nơi ngàn thu yên nghỉ, tôi da diết nhớ đến anh, nhớ tới nhân vật Paven Coócsaghin, nhớ câu danh ngôn bất hủ của nhà văn Xô Viết lỗi lạc Nhicolai Ottropxki in trong quyển “Thép đã tôi thế đấy” đã làm cho Phan Văn Khải say đắm cả một đời người:
“Cái quý nhất của con người là cuộc sống. Người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho xứng đáng, khỏi hổ thẹn là đã sống phí, sống hoài, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể hãnh diện nói được rằng toàn bộ trái tim và khối óc, tất cả cuộc đời và nghị lực của tôi, tôi đã hiến dâng cho sự nghiệp cao cả - sự nghiệp đấu tranh để giải phóng loài người”.
Tôi xin mượn câu danh ngôn này khắc lên bia mộ Phan Văn Khải để đời đời tưởng nhớ anh - một chiến sĩ cộng sản, một nhà lãnh đạo, một danh nhân, một chính khách, một tài hoa.

Tin cùng chuyên mục