Tại đây, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Vinatex làm rõ, tháo gỡ các vấn đề để không những phục vụ tăng trưởng trước mắt, mà còn có ý nghĩa với sự ổn định, phát triển lâu dài cho Tập đoàn.
Trong đó, Thủ tướng nhắc dệt may đang làm tốt hai khâu đầu và cuối là sợi và may, nhưng điểm nghẽn là công nghiệp phụ trợ, nhuộm… đều khó khăn. “Từ cái kim, sợi chỉ, chiếc khuy áo cũng phải mua, vậy chúng ta nội địa hóa thế nào? Đề nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án để sớm đưa vào hoạt động hiệu quả với mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng. Không để các dự án đầu tư dở dang, kém hiệu quả, thất thoát vốn”, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.
Vấn đề rất mấu chốt nữa mà Thủ tướng đặt ra với ngành dệt may là phải đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp dệt may. Thủ tướng đặt vấn đề yêu cầu ngành may có giải pháp tốt để thay vì chỉ gia công thì phải tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, tránh tình trạng giá trị xuất khẩu lớn nhưng giá trị thu về thực tế không cao. Chẳng hạn, ta vẫn chưa làm được vải khổ rộng dù đã nhập khẩu bông để sản xuất sợi.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tinh thần của Thủ tướng là phải quyết tâm cao nhất trong thực hiện mục tiêu đề ra, Vinatex cần hứa với Thủ tướng năm 2017 sẽ đạt doanh thu, xuất khẩu vượt kế hoạch bao nhiêu.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Vinatex Trần Quang Nghị cam kết sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD trong năm 2017, tăng 9% so với 2,78 tỷ USD như kế hoạch và tăng 20,4% so với năm 2016. Về phía Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, sau các chuyến thăm Hoa Kỳ, Nhật Bản, tới đây Thủ tướng sẽ tiếp tục thăm Đức, Hà Lan, qua đó tiếp tục mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm tới phát triển doanh nghiệp, tập trung xây dựng thể chế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Dệt may là ngành hết sức quan trọng, đóng góp tới 16% kim ngạch xuất khẩu cả nước và 10% giá trị sản xuất công nghiệp. Với 6.000 doanh nghiệp, ngành dệt may giải quyết việc làm cho 2,5 triệu lao động.