Trả lời câu hỏi đại diện Viện KSND TPHCM đưa ra, đại diện Grab xác nhận từ năm 2014 đến năm 2017 công ty này đã lỗ 1.726 tỷ đồng; đồng thời cho biết Grab chấp nhận khoản lỗ này vì mục đích của Grab khi đầu tư vào thị trường Việt Nam là để thị trường hiểu và chấp nhận sử dụng công nghệ của Grab. Đại diện Grab cho biết, mong muốn của Grab là cung cấp dịch vụ về công nghệ để hỗ trợ xã hội, hỗ trợ người dân kết nối công nghệ để có cuộc sống dễ dàng hơn, đây cũng là mục tiêu công nghệ 4.0 mà Grab hướng tới. “Grab đầu tư vào thị trường Việt Nam có vì mục đích lợi nhuận không?”, đại diện Viện KSND TPHCM hỏi. “Có. Chúng tôi cam kết với các nhà đầu tư về mục tiêu này. Các nhà đầu tư cũng tin tưởng khi chúng tôi đầu tư lâu dài vào môi trường kinh doanh ổn định thì sẽ tạo ra được lợi nhuận”, đại diện Grab trả lời.
Kết thúc phần hỏi, phiên tòa chuyển sang phần tranh luận. Hai luật sư Nguyễn Hải Vân và Nguyễn Văn Đức bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nguyên đơn lần lượt trình bày bản luận cứ. Theo các luật sư, việc Grab cho rằng Grab là một công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải, không phải là nhà cung cấp dịch vụ vận tải là hoàn toàn ngụy biện, đánh tráo khái niệm. Bởi lẽ thông qua phần xét hỏi tại phiên tòa cho thấy Grab đã thực hiện nhiều hoạt động như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách như: trực tiếp điều hành xe, chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá cước, điều chỉnh tăng giảm giá cước, quyết định nội dung các chương trình khuyến mại về giá cước vận chuyển, nhận tiền thanh toán cước vận chuyển từ khách hàng đi taxi sử dụng thẻ dịch vụ Grabtaxi, thực hiện chế độ thưởng - phạt tài xế, kiểm soát hành vi và thái độ của tài xế đối với hành khách thuê taxi, mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho khách hàng đi Grabtaxi. Trong văn bản 2603 ngày 26-3-2018 gửi TAND tối cao, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, đại sứ quán các nước, các cơ quan báo chí, chính Grab thừa nhận: Grab có thực hiện việc điều động xe, xác định giá cước, thu cước phí, thưởng phạt tài xế… Mặc dù Grab cho rằng các nội dung này là thực hiện theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ngày 7-1-2016 ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắt là Đề án 24), nhưng Đề án 24 không có bất cứ quy định nào cho phép Grab làm việc này. Đặc biệt, theo nội dung trình bày với TAND TPHCM của đại diện các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) vận tải được Grab xác định là “đối tác” trong việc triển khai thực hiện Đề án 24 đều khẳng định họ chỉ “cấp” phù hiệu xe hợp đồng cho tài xế để họ đủ điều kiện “xe hợp đồng” theo quy định, còn việc định giá cước, điều động xe, thưởng phạt tài xế là do Grab tự quyết định, các HTX, DN vận tải không tham gia; việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa lái xe và khách hàng do Grab thực hiện, các HTX, DN vận tải không có trách nhiệm và không liên quan; HTX không chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của lái xe với Grab; việc nộp thuế cho tài xế do Grab thu và nộp cho cơ quan thuế có thẩm quyền, HTX không liên quan; việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho lái xe là do Grab và lái xe thỏa thuận, HTX không biết, không liên quan.
Trình bày về những hành vi vi phạm Đề án 24 của Grab, các luật sư nêu nhiều luận cứ cho thấy Grab ký kết hợp đồng với các HTX, DN vận tải ngoài phạm vi các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm; có dấu hiệu vi phạm nghĩa vụ về thuế; tổ chức dịch vụ GrabShare (đi chung xe); vi phạm về hoạt động khuyến mại... Theo kết quả giám định về thiệt hại của Công ty CP Thẩm định - Giám định Cửu Long gửi TAND TPHCM, thiệt hại của Vinasun từ ngày 1-1-2016 đến hết tháng 6-2017 do Grab gây ra là gần 86 tỷ đồng. Trên thực tế, số thiệt hại mà Grab gây ra cho Vinasun là rất lớn. Vinasun căn cứ vào kết quả kiểm toán để khởi kiện yêu cầu Grab bồi thường số tiền 41,2 tỷ đồng là hoàn toàn phù hợp. Từ đó, các luật sư đề nghị hội đồng xét xử tuyên buộc Grab bồi thường thiệt hại cho Vinasun số tiền trên.
Phản bác những luận điểm do phía nguyên đơn đưa ra, phía Grab khẳng định đã tuân thủ Đề án 24 vì chỉ hoạt động với tư cách là một đơn vị cung ứng công nghệ hỗ trợ dịch vụ vận tải. Theo đó, Grab không điều xe, không thu tiền của khách hàng mà việc này do các HTX quyết định; Grab không điều tài xế, mà chỉ đề xuất cho tài xế có đón khách hay không. Về việc khách hàng trả tiền, Grab chỉ thu hộ đối tác, hoặc khách hàng chuyển vào tài khoản đối tác theo thỏa thuận. Đối với việc mua bảo hiểm tai nạn cho tài xế và khách hàng, Grab cho rằng đây là bảo hiểm không bắt buộc, Grab mua vì chỉ muốn bảo đảm an toàn cho hành khách. Không đồng ý với kết quả giám định của Công ty giám định Cửu Long, phía Grab đề nghị tạm hoãn phiên tòa để triệu tập đại diện công ty này, làm rõ các vấn đề liên quan đến kết quả giám định thiệt hại của Vinasun, Đồng thời phía Grab đề nghị hội đồng xét xử triệu tập đại diện Bộ Giao thông Vận tải để làm rõ việc Grab thực hiện Đề án 24.
Hôm nay phiên tòa tạm nghỉ. Ngày 22-10 phiên tòa tiếp tục làm việc.