Luật sư Nguyễn Văn Đức (bảo vệ quyền lợi của Vinasun) tiếp tục hỏi đại diện của Grab về các chương trình khuyến mại của đơn vị này: “Grab có những chuyến đi giá 0 đồng hay không?” - “Có, trong trường hợp có chương trình khuyến mại” - “Ai là người thanh toán cước phí chuyến đi cho lái xe?” - “Grab thanh toán”.
Luật sư đặt vấn đề: theo số liệu báo cáo của Grab, từ 2014 đến 2017, Grab lỗ khoảng 1.700 tỷ đồng. Số tiền lỗ gấp 85 lần vốn điều lệ là 20 tỷ đồng, vậy Grab lấy tiền ở đâu để hoạt động? Grab từ chối trả lời câu hỏi này vì cho rằng không liên quan đến vụ án.
Tại phiên tòa, Grab cho biết trong quá trình thực hiện Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT ngày 7-1-2016 ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắt là Đề án 24), Grab có tổ chức chương trình “Đi chung xe” (GrabShare). Grab cho rằng chương trình này không trái với Đề án 24. Luật sư Nguyễn Văn Đức cung cấp thông tin: trong Công văn số 14732/BGTVT-VT ngày 29-12-2017 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học - công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, Bộ GTVT xác định “thời gian qua Grab triển khai ứng dụng GrabShare (đi chung xe) không nằm trong thí điểm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT, mặc dù Bộ GTVT đã có Văn bản số 4752/BGTVT-VT ngày 4-5-2017 và Văn bản số 4781/BGTVT-VT ngày 22-6-2017 về không áp dụng dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng của Grab nhưng công ty vẫn tiếp tục triển khai”.
Hôm qua, phiên tòa chuyển sang phần bị đơn hỏi nguyên đơn. Trước khi bắt đầu đặt câu hỏi, Grab đề nghị hội đồng xét xử triệu tập đến tòa những đối tác cũng tham gia Đề án 24 như Grab; đại diện Bộ GTVT để làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc Grab thực hiện Đề án 24; đại diện của 2 công ty mà Vinasun đã thuê để khảo sát thị trường, làm cơ sở khởi kiện Grab nếu hội đồng xét xử sử dụng những kết quả khảo sát của 2 công ty này… Tuy nhiên, hội đồng xét xử không chấp thuận đề nghị phía Grab đưa ra vì quyền đề nghị này nằm trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa nhưng Grab không đưa ra, nay phiên tòa đã chuyển sang phần tranh tụng. Tuy nhiên, hội đồng xét xử ghi nhận những đề nghị này và xem xét trong quá trình nghị án, nếu thấy cần thiết sẽ chấp nhận.
Đại diện của Grab chất vấn ngược lại đại diện của Vinasun bằng những câu tương tự phía Vinasun đã nêu ra đối với Grab. Đại diện Grab hỏi: “Khách hàng tải phần mềm Vinasun App để gọi taxi của Vinasun có phải cung cấp thông tin không?” - “Khi cài đặt phần mềm ứng dụng này, khách hàng chỉ cần cung cấp tên và số điện thoại là có thể sử dụng” - “Trong điều khoản bảo mật, Vinasun có quy định sẽ cung cấp dữ liệu khách hàng cho bên thứ 3 không?” - “Chúng tôi khẳng định bảo mật dữ liệu của khách hàng và chỉ cung cấp cho bên thứ 3 là các cơ quan pháp luật khi có yêu cầu chính đáng”.
Về thiệt hại của Vinasun, đại diện Grab công bố kết luận của Công ty Giám định Cửu Long, theo đó một trong những nguyên nhân gây ra thiệt hại cho Vinasun là do khách hàng không sử dụng dịch vụ của Vinasun nữa. Kết quả nghiên cứu thị trường cho thấy khách hàng cho rằng giá của Vinasun cao hơn các thương hiệu khác; không tiện lợi, chờ lâu; tài xế không thân thiện; xe không sạch sẽ, có mùi hôi... Cũng theo kết quả nghiên cứu thị trường, có 86% khách hàng của Vinasun rời bỏ hãng taxi này chuyển sang sử dụng dịch vụ của Grab do giá cước của Grab rẻ hơn. Bình luận vấn đề này, đại diện Vinasun nói rằng tôn trọng nhận xét và kết luận giám định độc lập của Công ty Cửu Long cũng như kết quả nghiên cứu thị trường về nguyên nhân khách hàng rời bỏ Vinasun. Tuy nhiên, đại diện Vinasun cho rằng nếu giá rẻ hơn khi cùng điều kiện kinh doanh thì khác, nhưng giá Grab rẻ hơn Vinasun là do Grab hoạt động như đơn vị kinh doanh vận tải nhưng chịu mức thuế khác hẳn Vinasun (Grab chịu mức thuế dành cho 1 đơn vị công nghệ), lách né nhiều điều kiện kinh doanh.
Hôm nay 19-10, phiên tòa tiếp tục làm việc.