- Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: không cấp vốn cho Vinashin trả nợ
- Bắt nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình
Chính phủ đã họp thường kỳ tháng 7, trong đó một nội dung quan trọng đã được thảo luận là thống nhất về đánh giá tình hình và giải pháp để ổn định, phát triển Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Sau phiên họp Chính phủ hôm qua (4-8), Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo về vụ việc này.
Vay nợ mới để trả nợ cũ...
Chính phủ khẳng định, việc hình thành, phát triển Tập đoàn Vinashin mạnh để làm nòng cốt trong việc phát triển ngành công nghiệp tàu thủy của đất nước, đáp ứng nhu cầu kinh tế quốc dân, quốc phòng, an ninh là chủ trương đúng đắn, rất cần thiết, phù hợp với các nghị quyết liên quan của Đảng. Thực tế, Vinashin đã hoạt động đạt được nhiều kết quả. Trong đó, đã hình thành được cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng và khá đồng bộ của ngành công nghiệp đóng tàu biển với 28 nhà máy đóng tàu đang hoạt động, có trình độ công nghệ tiên tiến, sản phẩm tàu biển được thế giới công nhận về chất lượng, có thương hiệu, uy tín trong ngành đóng tàu thế giới.
Từ chỗ vốn chủ sở hữu chỉ có hơn 100 tỷ đồng, chỉ đóng được tàu 1.000 - 3.000 tấn, đến nay, vốn chủ sở hữu đã tăng lên 8.000 tỷ đồng, giá trị tài sản 104.000 tỷ đồng, đóng được tàu hàng đến 53.000 tấn, tàu chở dầu thô đến 105.000 tấn, tàu chở ô tô đến 6.900 xe, sản xuất kho nổi chứa dầu…
Tuy nhiên, những yếu kém của Vinashin đã bộc lộc rất rõ trong những năm gần đây, nhất là từ năm 2008 với tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu: Ngành vận tải viễn dương bị đình đốn, các chủ tàu đã hủy hợp đồng đóng tàu trị giá hơn 8 tỷ USD với Vinashin. Riêng trong năm 2010, số hợp đồng đóng tàu có nguy cơ bị hủy lên tới trên 700 triệu USD.
Mặt khác, do công tác dự báo còn yếu kém nên việc lập kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư không chính xác. Các dự án đầu tư quá nhiều, dàn trải, vượt khả năng cân đối tài chính, có dự án chưa thật cần thiết, nên nhiều dự án chỉ được phân bổ vốn chưa đến 50% tổng mức đầu tư. Vốn điều lệ còn hạn chế, vốn tự có trong nhiều dự án rất thấp, có dự án đầu tư bằng 100% vốn vay.
Do vậy, hầu hết các dự án đầu tư đều triển khai dở dang, như các dự án giải phóng mặt bằng khu công nghiệp, dự án đóng tàu xuất khẩu. Những dự án này chưa đưa vào sử dụng nhưng vẫn phải trả lãi. Đầu tư cho phát triển đội tàu, trong đó có những tàu mua của nước ngoài quá cũ, hoạt động kém hiệu quả. Phát triển nhanh nhiều doanh nghiệp, góp vốn ra ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính quá rộng. Nhiều đơn vị làm ăn không hiệu quả, không trả được nợ, không kiểm soát được. Việc sử dụng vốn không hiệu quả nêu trên đã gây hậu quả nặng nề về tài chính đối với Vinashin.
Để giải quyết khó khăn nêu trên, Vinashin đã phải vay nợ mới để trả nợ cũ, vay ngắn hạn trả dài hạn, thậm chí lấy vốn lưu động để chi đầu tư. Từ năm 2009, Vinashin kinh doanh thua lỗ. Đến tháng 6-2010, tổng tài sản của Vinashin khoảng 104.000 tỷ đồng nhưng tổng số nợ là 86.000 tỷ đồng...
Lỗ nhưng vẫn báo cáo lãi...
Không phủ nhận nguyên nhân khách quan là do thị trường đóng tàu và vận tải biển thế giới sụt giảm đột ngột, khiến Vinashin bị tác động nặng nề. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, những yếu kém và sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo Vinashin là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu. Trong đó, phải kể đến năng lực quản trị doanh nghiệp và dự báo yếu kém, trình độ cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng yêu cầu. Quản lý đầu tư, quản lý tài chính lỏng lẻo, kém hiệu quả, nhiều quyết định trái quy định của pháp luật; tổ chức phát triển hệ thống doanh nghiệp quá dàn trải.
Đặc biệt, Vinashin báo cáo không đúng thực trạng về sử dụng vốn, về đầu tư, về phát triển thêm doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, mỗi lần báo cáo số liệu khác nhau. Năm 2009 và quý 1-2010 thua lỗ nhưng vẫn báo cáo có lãi. “Khuyết điểm này của lãnh đạo, trước hết của người đứng đầu tập đoàn làm cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ sở hữu cấp trên nắm không đúng thực trạng nên chỉ đạo không kịp thời, đầy đủ”, Chính phủ kết luận.
Bên cạnh yếu kém, sai phạm của Vinashin, Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận, việc quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu của Chính phủ đối với DNNN, tập đoàn kinh tế nói chung và Vinashin nói riêng còn nhiều bất cập, kém hiệu quả. Trong đó, có việc bộ quản lý và các bộ chức năng chưa kiểm soát được kịp thời tình hình, chưa phát hiện được đầy đủ và ngăn chặn có hiệu quả những quyết định sai trái về đầu tư, về sử dụng vốn, về phát triển thêm doanh nghiệp và mở thêm ngành nghề kinh doanh của lãnh đạo tập đoàn.
Tái cơ cấu Vinashin
Ngay từ năm 2006, Thủ tướng đã chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc huy động, sử dụng vốn của tập đoàn, yêu cầu cắt giảm các dự án đầu tư, tập trung vào các dự án hiện đại hóa và nâng cấp cơ sở đóng mới tàu biển (từ gần 200 dự án, qua các đợt cắt giảm, dừng, hoãn và đến năm 2010 chỉ tập trung đầu tư 13 dự án đóng tàu cấp thiết nhất). Chính phủ cũng đã họp nhiều lần để giải quyết vụ việc của Vinashin trong các năm 2008-2009. Và mới đây nhất, Chính phủ ra quyết định tái cơ cấu Vinashin.
“Chính phủ chủ trương tái cơ cấu toàn diện với sự hỗ trợ trực tiếp, mạnh mẽ từ kinh tế nhà nước, của các định chế tài chính tín dụng để duy trì và từng bước ổn định, phát triển Vinashin với hiệu quả ngày càng cao, trả được nợ, thu hồi được vốn, làm được vai trò nòng cốt của ngành đóng tàu biển; với mục tiêu ít thiệt hại nhất, có lợi nhất về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước”, Chính phủ khẳng định.
Chính phủ cũng cam kết hoàn thiện thể chế, cơ chế để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện tốt chức năng của chủ sở hữu đối với DNNN, tập đoàn kinh tế. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các cá nhân có sai phạm tại Vinashin. Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách để tổ chức chỉ đạo có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu Vinashin.
Hiện nay, HĐQT Tập đoàn Vinashin bước đầu đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh mới, sơ bộ tính toán các năm 2010-2012 còn lỗ, dự báo năm 2013, 2014 bắt đầu có lãi và sau 2015 phát triển ổn định.
* Ngày 31-1-1996, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại các cơ sở đóng tàu trong cả nước. * Ngày 4-11-2003, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 60/2003/QĐ-TTg ngày 4-11-2003 về việc thí điểm Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. * Ngày 15-5-2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 103/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Kinh tế Vinashin, và quyết định 104 QĐ-TTg về việc thành lập công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: không cấp vốn cho Vinashin trả nợ Phiên họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều qua, 4-8, đích thân Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng chủ trì, để làm rõ thêm những vấn đề về Vinashin. Báo chí cũng đã chất vấn các vấn đề liên quan. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Nếu chúng ta có một tập đoàn “khỏe” về quản trị, tài chính, nhân sự, cộng thêm cách quản lý nhà nước tốt hơn thì Vinashin không đến mức như vậy”. Từ thực tế của Vinashin hiện nay, Phó Thủ tướng cho biết, có 3 vấn đề phải làm: Thứ nhất, quyết tâm xây dựng nền cơ khí đóng tàu và công nghiệp tàu thủy của đất nước. Thứ hai, tái cơ cấu Vinashin theo hướng hoạt động ổn định, hiệu quả. Cụ thể, xác định lại chiến lược phát triển của Vinashin theo hướng thu hẹp ngành nghề kinh doanh. Trước mắt, chỉ tập trung vào 13 dự án chính còn dở dang, những dự án khác đều được cơ cấu lại. Thứ ba, những sai phạm của các cá nhân, nhất là ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin, sẽ được xử lý nghiêm minh trước pháp luật và kỷ luật Đảng. - PV: Thưa Phó Thủ tướng, thông tin “lùm xùm” của Vinashin đã có từ mấy năm trước, tại sao phải đến khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng thì Chính phủ mới quyết liệt tái cơ cấu Vinashin? Phó Thủ tướng NGUYỄN SINH HÙNG: Trong báo cáo của Chính phủ đã nói rõ, vụ này Chính phủ đã có cả một quá trình giải quyết. Công tác thanh tra, kiểm tra là có làm, nhưng đúng là không kiểm soát và phát hiện được kịp thời để ngăn chặn sai phạm. Ví dụ vấn đề mua tàu của Vinnashin, hôm nay Thủ tướng có quyết định thì tuần sau đã mua, mấy tháng sau thanh tra mới vào thì đã trễ. - Chính phủ có cấp vốn cho Vinashin trả nợ? Chính phủ không cấp vốn cho Vinashin trả nợ. Mà Chính phủ cấp vốn điều lệ, còn vốn trả nợ thì Vinashin phải tự cân đối. Chính phủ nếu cần sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu chính phủ để cho Vinashin vay. - Ngoài khoản nợ nước ngoài 750 triệu USD mà Vinashin vay lại của Chính phủ từ nguồn phát hành trái phiếu quốc tế, Vinashin còn khoản nợ nước ngoài nào nữa? Hiện nay đang cho kiểm tra từng khoản nợ của Vinashin. Đã phát hiện có 600 triệu USD Vinashin tự vay nước ngoài, Chính phủ không bảo lãnh. Đối với những lãnh đạo của Vinashin, kể cả những người lãnh đạo mới được bổ nhiệm, nếu sau khi kiểm tra, thanh tra phát hiện sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Nhị Hà ghi Ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ: Từ năm 2006-2010, đã có 11 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với Vinashin về nhiều phương diện. Có ý kiến cho rằng, tại sao khi Ủy ban Kiểm tra TƯ vào mới phát hiện sai phạm, còn tất cả các đơn vị chức năng đều không phát hiện được, có hay không việc buông lỏng kiểm tra? Tôi khẳng định không phải buông lỏng kiểm tra. Đã kiểm tra nhiều và đã phát hiện nhiều sai phạm, từ đó giúp Chính phủ chỉ đạo Vinashin giãn nhiều dự án, sử dụng lại vốn đầu tư ngoài ngành, hạn chế mua sắm tàu... Tuy nhiên, đúng là chưa có cuộc thanh tra toàn diện nào để phát hiện các sai phạm tổng thể, dẫn đến hậu quả xấu như hôm nay. |
Phan Thảo
Thông tin liên quan |
- Bắt nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình - Chính phủ khẳng định: Tình hình Vinashin vẫn trong tầm kiểm soát |