Để làm có thể dấn sâu và giữ chắc thị phần xuất khẩu, bên cạnh những sản phẩm xuất khẩu chính như sữa bột trẻ em và sữa đặc sang các thị trường truyền thống, Vinamilk đã dần chuyển xuất khẩu các mặt hàng khác như sữa tươi, sữa chua ăn, sữa chua uống, các sản phẩm nước trái cây… nhằm hướng tới đa dạng hóa sản phẩm Vinamilk trên thị trường quốc tế, phù hợp với các nhu cầu tiêu dùng khác nhau.
Gần đây nhất Vinamilk đã chính thức ra mắt tại thị trường Thái Lan, Myanmar và Bangladesh. Đồng thời, tiếp tục củng cố sự hiện diện và tập trung hơn nữa tại các thị trường quốc tế mới, đặc biệt là khu vực Châu Phi bằng việc đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu thị trường để phù hợp văn hóa địa phương, tung các sản phẩm thế mạnh (sữa bột, bột dinh dưỡng…), mở rộng hệ thống phân phối và tăng độ nhận biết thương hiệu.
Hiện Vinamilk đã đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống 10 trang trại đạt tiêu chuẩn Global GAP với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, Mỹ và New Zealand. Các trang trại trên xây dựng trải dài khắp Việt Nam. Dự kiến đến năm 2020, công ty sẽ nâng tổng đàn bò lên khoảng 200.000 con nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu sản xuất.
Được biết, hiện mỗi năm, 13 nhà máy của Vinamilk sản xuất khoảng 15 tỷ sản phẩm. Trong đó, có hai siêu nhà máy sữa bột và sữa nước tại Bình Dương được trang bị công nghệ tiên tiến nhất thế giới với hệ thống thiết bị khép kín và tự động hóa hoàn toàn từ khâu chế biến đến thành phẩm và đóng gói, bảo đảm tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhà máy sữa bột Việt Nam mỗi năm cho ra đời 54.000 tấn sữa bột còn nhà máy sữa Việt Nam (Mega factory) thì có công suất 400 triệu lít sữa nước/năm và đang trong giai đoạn mở rộng qua giai đoạn 2 với công suất nâng lên gấp đôi, đạt 800 triệu lít sữa/năm.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Vinamilk hiện đã đạt khoảng 2 tỷ USD (tương đương khoảng 45.520 tỷ đồng).