Tuy nhiên, ông Don Lâm cho biết chưa thể công bố chi tiết thỏa thuận này. Riêng về việc bồi hoàn khi chấm dứt hợp đồng, hai bên vẫn đang đàm phán để đưa ra con số cụ thể. Sau khi đạt được thỏa thuận cuối cùng, hai bên sẽ có buổi họp báo chính thức để thông tin về vụ việc.
Chia sẻ thêm sau vụ đổ vỡ này, ông Don Lâm cho biết, sau 15 năm đầu tư tại Việt Nam với việc góp vốn đầu tư vào hơn 100 DN tại Việt Nam thì đây là thương vụ hiếm hoi mà VinaCapital gặp sự cố. Phía Công ty Ba Huân cho biết sau khi sắp xếp lại mọi việc, nếu có cơ hội hai bên sẽ hợp tác trong thời gian tới. Liên quan đến việc sau sự cố lần này có làm VinaCapital thay đổi định hướng đầu tư vào DN tư nhân, công ty gia đình như ngay từ đầu khi vào Việt Nam hay không, ông Don Lâm khẳng định VinaCapital không bao giờ thay đổi định hướng này. Bởi lẽ, DN tư nhân, công ty gia đình là động lực của nền kinh tế và là đặc thù của DN Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 2-2018, Công ty Ba Huân và Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity (VOF) của Tập đoàn VinaCapital đã công bố hợp tác đầu tư.
Theo đó, VOF đầu tư 32,5 triệu USD để mua 33,77% cổ phần Công ty Ba Huân. Hai bên sẽ ký hợp đồng chính thức bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Hợp đồng tiếng Anh đã được ký. Tuy nhiên, khi hợp đồng bằng tiếng Việt được đưa ra, phía Công ty Ba Huân cho biết phát hiện một số điều khoản VOF đưa ra bất lợi cho Công ty Ba Huân. Chính vì thế, tháng 7-2018, Công ty Ba Huân đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ chấm dứt hợp tác với VinaCapital nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, cũng như giúp công ty giữ thương hiệu. Đến ngày 7-8, VinaCapital phát đi thông báo dừng đầu tư vào Công ty Ba Huân.