Tin từ Bộ TT-TT cho biết, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã ký quyết định cấp phép triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G cho nhà mạng Viettel.
Việc thử nghiệm nhằm đánh giá tính năng kỹ thuật và khả năng triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông sử dụng công nghệ di động thế hệ thứ 5 - IMT 2020. Phạm vi thử nghiệm 5G của Viettel là tại TPHCM và Hà Nội với quy mô thử nghiệm dịch vụ sẽ không vượt quá 73 vị trí. Cùng với giấy phép này, Viettel sẽ được sử dụng các đoạn băng tần 2575 - 2615 MHz, 3700 - 3800 MHz và 26500 - 27500 MHz để triển khai thử nghiệm theo quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và các quy định về quản lý tần số vô tuyến điện. Trong quá trình thử nghiệm 5G, Viettel sẽ không được thu cước của đối tượng tham gia thử nghiệm.
Như vậy, Viettel đã trở thành nhà mạng đầu tiên được phép thử nghiệm mạng 5G và giấy phép thử nghiệm này có giá trị trong vòng 1 năm, kể từ 22-1-2019 đến 21-1-2020. Sau khoảng thời gian này, Viettel có trách nhiệm hoàn trả tài nguyên viễn thông được cấp phép thử nghiệm. Đồng thời Viettel cũng sẽ phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư, đồng thời báo cáo thường xuyên và đột xuất kết quả thử nghiệm theo yêu cầu của Bộ TT-TT.
Trong năm 2018, cùng với Viettel, 2 nhà mạng MobiFone và VNPT VinaPhone cũng đã có ý kiến với Bộ TT-TT về việc xin phép thử nghiệm 5G.
Trước đó, trao đổi với báo chí về triển khai 5G, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, trên thế giới, một số nước như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc dự kiến năm 2019 hoặc 2020 sẽ triển khai 5G. Nếu chúng ta tiến hành vào năm 2019 thì Việt Nam sẽ là 1 trong những nước đi đầu. Lợi ích của 5G bao gồm ứng dụng cho một chuỗi công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phục vụ cho việc kết nối, tự động hóa, đường truyền tốc độ cao, độ trễ thấp, giải quyết được nhiều hạn chế hiện nay của những công nghệ cũ. Hiện Viettel đã phối hợp với các nhà cung cấp để nghiên cứu, tự sản xuất thiết bị 5G.
“Viettel sẽ tham gia thử nghiệm theo lộ trình mà Bộ TT-TT đưa ra. Cuộc thử nghiệm đòi hỏi những hạ tầng như cáp quang, các trạm phát sóng, chúng tôi đã có sự chuẩn bị từ sớm. Giống như khi chuẩn bị triển khai mạng 4G, Viettel có lợi thế nhiều mạng cáp quang rộng khắp đến cả vùng sâu vùng xa. Chúng tôi mong rằng sẽ sớm có thông tin về tần số để Viettel và các nhà mạng khác có sự chuẩn bị về thiết kế, thiết bị phù hợp nhằm đáp ứng tần số mà Bộ TT-TT dự kiến sử dụng cho 5G” - ông Tào Đức Thắng cho hay. |
Tuy nhiên, ông Dương Anh Đức cho rằng, hạ tầng trạm BTS (trạm thu phát sóng di động) của các doanh nghiệp viễn thông đã phủ kín mạng 3G, 4G. Vậy nên, triển khai hạ tầng 5G sắp tới cần phải gắn liền với nền tảng hạ tầng 4G hiện hữu và tăng cường sử dụng chung hạ tầng giữa các nhà mạng. Do phạm vi vùng phủ sóng của mỗi trạm 5G nhỏ, cần đầu tư số lượng trạm BTS lớn hơn, nên TPHCM đề xuất triển khai trạm BTS 5G tích hợp vào hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị, ví dụ như bố trí các thiết bị thu phát sóng di động vào cột biển báo giao thông, chiếu sáng, tiểu cảnh cây xanh.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng mong muốn các doanh nghiệp viễn thông đẩy mạnh việc chỉnh trang, cải tạo các cột anten, từng bước thay thế các cột anten mất mỹ quan, kém chất lượng. Bộ TT-TT cần sớm nghiên cứu lộ trình tắt sóng 2G, song song với xây dựng chính sách hỗ trợ thiết bị đầu cuối 3G/4G cho những đối tượng còn khó khăn, tương tự như chính sách số hóa truyền hình mặt đất.
Ông Dương Anh Đức khẳng định, TPHCM sẵn sàng hợp tác, phối hợp với các doanh nghiệp CNTT, viễn thông viễn thông trong việc nghiên cứu, phát triển các thiết bị đầu cuối 5G giá rẻ nhằm sớm trình làng các sản phẩm công nghệ "Made in Việt Nam" với giá thành phù hợp cho nhiều đối tượng sử dụng khác nhau.