Hệ thống kỹ thuật của mạng Viettel đã sẵn sàng cho khách hàng của mình tham gia dịch vụ chuyển mạng giữ số (Mobile Number Portability - MNP), bắt đầu được áp dụng vào ngày 16-11 này.
Chuẩn bị từ 3 năm trước
Nhà mạng Viettel cho biết, dữ liệu 70 triệu khách hàng thuê bao của mình đã được chuyển đổi thành công qua hệ thống cơ sở dữ liệu MNP.
Đây là lần đầu tiên Viettel thực hiện chuyển luồng cho số lượng thuê bao khổng lồ toàn mạng lưới. Không có bất cứ khách hàng nào bị gián đoạn dịch vụ. Để có được thành quả đó, đội ngũ gồm 12 nhân sự mỗi đêm thuộc Trung tâm Vận hành Khai thác toàn cầu và Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu đã làm việc hết công suất, tác động và bảo toàn hệ thống.
100% hệ thống mạng lõi và OCS gồm 93 node mạng đều được can thiệp, lớn hơn rất nhiều so với lần chuyển đổi mã mạng di động từ 11 số về 10 số, với chỉ 70 node mạng. Cùng với đó, hàng trăm nhân sự thuộc các bộ phận kỹ thuật khác nhau trong Tập đoàn Viettel đã góp phần giúp đảm bảo dịch vụ gia tăng, công nghệ thông tin chạy trơn tru.
Các bước của 1 thuê bao di động thực hiện MNP do Viettel công bố. Để chuẩn bị cho MNP, Viettel đã chủ động thực hiện đầu tư hạ tầng từ đầu năm 2015. Là người chủ trì giải pháp cho hệ thống mạng lõi, anh Phan Xuân Lượng (Trưởng phòng Mạng lõi, Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu) nhớ lại: “Hệ thống cơ sở dữ liệu chuyển mạng là phần không thể thiếu của MNP. Theo phương án ban đầu, chúng ta phải bỏ ra tới 4 triệu USD để sở hữu hệ thống này. Nhưng, Viettel đã tìm ra giải pháp với chi phí rút xuống bằng 1/10, chỉ còn 400.000 USD. Đây cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất về giải pháp của Viettel so với các nhà mạng khác”. Nhờ giải pháp mà Viettel phát triển được, cuối năm 2017, Viettel là nhà mạng duy nhất thực hiện thành công 100% các yêu cầu mà Cục Viễn thông đưa ra về MNP. Những công việc, nhiệm vụ được Viettel hoàn thiện trong 2017 đã đảm bảo 80% cho sự thành công ngày hôm nay.
Cơ hội và lợi thế của Viettel
MNP được lãnh đạo Tập đoàn Viettel xác định là một cơ hội của Viettel. Nếu mỗi người Viettel đều am hiểu về MNP thì mỗi cán bộ công nhân viên đều có cơ thể trở thành một đại sứ thương hiệu Viettel, một tư vấn viên cho chính người thân và bạn bè mình. Mục tiêu của MNP là giúp người dùng có cơ hội lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ tốt hơn. MNP sẽ tạo ra xu hướng cá nhân hóa điện thoại: tạo nền tảng cho phát triển dịch vụ mới liên quan đến ứng dụng thương mại, các nội dung trên mạng điện thoại di động, từ đó thúc đẩy phát triển dịch vụ intetnet trên di động.
Triển khai MNP cũng làm tăng hiệu quả sử dụng kho số viễn thông và quản lý thuê bao. Một bài học lớn được rút ra là nhà mạng lớn vẫn có thể tăng thị phần từ MNP. Tại Tây Ban Nha, sau 5 năm triển khai MNP, mạng Vodafone có 105.000 thuê bao chuyển ra nhưng có 129.000 thuê bao chuyển vào. Nghĩa là Vodafone tăng được 24.000 thuê bao từ MNP. Tại Ấn Độ, Airtel tăng 38 triệu thuê bao, Vodafone tăng 44 triệu thuê bao sau khi thực hiện MNP. Tuy nhiên, MNP ở một số nước không làm tăng giảm quá nhiều thị phần của các nhà cung cấp dịch vụ. Tại Brazil, Malaysia tỷ lệ khách hàng sử dụng MNP là rất thấp. Với Brazil chỉ là 1,3% và Malaysia là 3,6%. Thị phần của các mạng gần như không thay đổi...
Một khảo sát về dịch vụ MNP ở thị trường Peru, nơi Viettel có tham gia kinh doanh với thương hiệu Btel. Một lợi thế không thể chối cãi của Viettel là vùng phủ và chất lượng mạng lưới. Trong một khảo sát gần đây trên mạng xã hội, có đến 39% khách hàng của nhà mạng khác mong muốn được chuyển sang sử dụng dịch vụ của Viettel. Theo định hướng của lãnh đạo Viettel, thời gian đầu, MNP dành cho thuê bao trả sau, tức là các khách hàng giàu có của các nhà mạng.
Do đó, bên cạnh lợi thế mà nhiều người nhìn thấy về chất lượng mạng lưới, Viettel cần đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc khách hàng, các dịch vụ hấp dẫn để thực sự thu hút được lớp khách hàng giàu. Bởi vậy, cơ hội luôn có sẵn, giờ là lúc chúng ta có các hành động cụ thể để biến cơ hội thành hiện thực. Ban Truyền thông Tập đoàn Viettel đã có một cuộc khảo sát online trên các diễn đàn các kênh mạng xã hội, báo chí, YouTube… về tâm trạng khách hàng trước thời điểm chuyển mạng giữ số. 92,3% khách hàng sẵn sàng, đồng tình với việc MNP. Xét về mức độ hài lòng chất lượng dịch vụ các nhà mạng, Viettel đang đứng đầu danh sách này.
Nhân viên chăm sóc khách hàng của mạng Viettel sẵn sàng phục vụ khách hàng khi tham gia MNP. Chăm sóc khách hàng được đánh giá là một trong 3 chìa khóa quan trọng mở cánh cửa thành công của chuyển mạng giữ số lần này. Cùng với “sóng khỏe, giá rẻ”, khách hàng sẽ căn cứ vào chất lượng chăm sóc khách hàng để quyết định có chuyển mạng sang Viettel hay không? Mặc dù đã thành công và được đánh giá cao, nhưng chắc chắn Viettel cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc khách hàng trong cuộc đua MNP này!
TRẦN BÌNH