Ngày 11-12, tại Lạng Sơn, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) chính thức khai trương Công viên Logistics Viettel. Đây là công viên logistics đầu tiên ở Việt Nam, có quy mô hạ tầng lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam.
Công viên Logistics Viettel có diện tích 143,7ha, với tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, có khả năng xử lý 1.500 xe thông quan mỗi ngày (gấp 2 lần so với hiện tại). Với cơ sở hạ tầng đồng bộ, đây là trung tâm logistics đầu tiên tại Việt Nam cung cấp chuỗi dịch vụ logistics xuất nhập khẩu toàn trình từ thông quan, kiểm dịch, kiểm hóa, sang tải, lưu kho đến vận tải xuyên biên giới. Hệ thống dữ liệu tại công viên cũng sẽ được chuẩn hóa và kết nối trực tiếp với dữ liệu hải quan Việt Nam và Trung Quốc, đảm bảo tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thời gian xử lý thông quan từ 4-5 ngày xuống dưới 24 giờ, giảm chi phí thông quan 30%-40%, tăng hiệu quả xe container lạnh vận tải trái cây từ 2,5 chuyến/tháng lên 4-5 chuyến/tháng.
Công viên Logistics Viettel được xây dựng theo các tiêu chuẩn cao nhất về công nghệ (như IoT, 5G, AI, Big Data và Digital Twins - bản sao số) và tự động hóa (như Smart Locker - khóa thông minh, máy bay không người lái drone, xe tự hành). Các công nghệ và giải pháp tự động hóa này được ứng dụng để tối ưu hóa các quy trình vận hành, từ quản lý kho bãi, đến vận chuyển hàng hóa và thông quan sẽ tối ưu hóa quy trình giao nhận, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 40% chi phí logistics. Bên cạnh đó, Công viên Logistics Viettel còn được thiết kế theo tiêu chuẩn LEED của Hoa Kỳ (Leadership in Energy & Environmental Design - Tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh), tuân thủ các nguyên tắc vận hành bền vững và hiện đại. Với hơn 3.300 cây xanh, hệ thống năng lượng tái tạo và mô hình kinh tế tuần hoàn, công viên không chỉ vận hành hiệu quả mà còn góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng một hệ sinh thái logistics xanh và thân thiện.
Viettel Post (đơn vị trực tiếp vận hành công viên) cũng đã phát triển ứng dụng V-Gate để hỗ trợ các doanh nghiệp đặt chỗ trực tuyến. Hệ thống này được tích hợp với các hệ thống vệ tinh, như: hệ thống quản lý vận tải thông minh (Smart Gate); hệ thống các công viên logistics khác trong tương lai; hệ thống quản lý kho thông minh (WMS); hệ thống tài chính giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường sự minh bạch và đảm bảo quá trình giao nhận hàng hóa diễn ra suôn sẻ và chính xác.
Phát biểu tại lễ khai trương Công viên Logistics Viettel, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết, thời gian tới, Viettel sẽ hoàn thiện mạng lưới các trung tâm logistics trên toàn quốc, phục vụ các khu vực kinh tế trọng điểm với 5 định hướng: cửa khẩu thông minh; trung tâm logistics nông sản; trung tâm logistics trong khu công nghiệp; hạ tầng chuỗi cung ứng; mạng lưới vận tải đa phương thức. Từ đó, tạo ra hệ sinh thái logistics thông minh, tự động hóa, kết nối đa phương thức, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến hàng không, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm logistics quan trọng của khu vực. Hiện tại, Công viên Logistics Viettel bao gồm trung tâm giao dịch nông sản, kết nối các loại nông sản chất lượng cao từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và nhiều quốc gia khác trong khu vực.
Công viên Logistics Viettel bao gồm các phân khu chính:
* Nhà liên ngành - trung tâm điều hành: Là nơi làm việc của các cơ quan chức năng như hải quan Việt Nam, hải quan Trung Quốc, bộ đội biên phòng, kiểm dịch, ngân hàng, thuế. Đồng thời, đây cũng là trung tâm “đầu não” của Công viên Logistics Viettel, giám sát và điều phối mọi hoạt động trong công viên thông qua dữ liệu từ hệ thống quản lý vận tải TMS, hệ thống quản lý kho thông minh WMS, cùng dữ liệu từ hơn 2.000 camera AI lắp đặt khắp khuôn viên.
* Cổng thông minh (Smart Gate): Tích hợp hệ thống phân luồng xe, công nghệ xử lý ảnh và trí tuệ nhân tạo AI chủ động nhận diện biển số xe, mã container và dữ liệu sinh trắc học của tài xế, tăng tốc độ xử lý phương tiện và thông quan hàng hóa lên gấp 3 lần so với truyền thống. Hệ thống soi chiếu tự động 6 chiều bằng tia X-Ray hỗ trợ phát hiện chính xác các vật phẩm nguy hiểm, cấm nhập khẩu và gian lận thương mại, đảm bảo an ninh cho cả quốc gia và thị trường quốc tế mà không cần mở container.
* Khu sang tải tự động: Sử dụng băng tải telescospic thay vì nhân công trực tiếp, giúp giảm thời gian chuyển hàng giữa 2 container chỉ còn 30-40 phút thay vì 3 tiếng như cách làm truyền thống.
* Khu xử lý hàng thương mại điện tử và hàng chuyển phát nhanh: Sử dụng hệ thống robot AGV tự hành do Viettel Post làm chủ, kết hợp với hệ thống nhận dạng và phân loại tự động DWS, hệ thống soi chiếu tự động có khả năng giám sát, kiểm tra, thông quan 600.000 bưu phẩm/ngày.
* Khu trưng bày triển lãm và livestream thương mại: Không gian tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ, đồng thời thúc đẩy thương mại điện tử thông qua các buổi livestream quảng bá sản phẩm trên các nền tảng trực tuyến, giúp doanh nghiệp kết nối trực tiếp với thị trường toàn cầu.