Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) vừa thông qua Nghị quyết số 24/NQ-HĐQT-VTG về việc bổ nhiệm ông Đỗ Mạnh Hùng làm Tổng Giám đốc Viettel Global.
Trước đó, vị trí này do Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, phụ trách Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đảm nhiệm. Như vậy, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng vẫn kiêm nhiệm chức Chủ tịch Viettel Global.
Tân Tổng Giám đốc Viettel Global Đỗ Mạnh Hùng. Ảnh VT
Gia nhập Viettel từ năm 2000, trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc Viettel Global, ông Đỗ Mạnh Hùng đã trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau ở Viettel, bắt đầu từ vai trò của một nhân viên kỹ thuật, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh, Trưởng phòng khai thác của Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội (tên gọi cũ của Viettel trước năm 2003), cho đến các chức vụ quan trọng ở các Tổng Công ty lớn nhất của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội như Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks), PTGĐ Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom), PTGĐ Tổng Công ty Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global).
Ông Đỗ Mạnh Hùng cũng là Bí thư Đảng ủy ở các đơn vị từng trải qua như Viettel Networks và Viettel Global.
Riêng trong lĩnh vực đầu tư quốc tế, ông Đỗ Mạnh Hùng đã trực tiếp tham gia điều hành các công ty thị trường của Viettel trên cương vị Phó Tổng Giám đốc Công ty Viettel Cameroon và Tổng Giám đốc Công ty Viettel Tanzania.
Viettel Tanzania trong giai đoạn ông Đỗ Mạnh Hùng làm Tổng Giám đốc đạt mốc 2 triệu khách hàng, chỉ sau 9 tháng kể từ khi chính thức triển khai cung cấp dịch vụ vào tháng 10-2015. Đây là tốc độ phát triển khách hàng nhanh nhất trong tất cả các thị trường mà Tập đoàn Viettel đã đầu tư tính đến thời điểm đó, giúp Halotel nhận 2 giải thưởng uy tín là “Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất của năm” và “Doanh nghiệp viễn thông của năm” do tổ chức Purple Cow Media Limited – Tổ chức thẩm định năng lực doanh nghiệp lớn nhất tại Tanzania bình chọn.
Phát biểu tại buổi giao nhiệm vụ, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng định hướng Viettel Global trong thời gian tới sẽ tập trung vào vốn, tài chính, quản trị nhân sự và các vấn đề về pháp lý. “Viettel Global nắm giữ một vị trí đặc biệt và quan trọng của Tập đoàn. Kết quả sản xuất kinh doanh của Viettel Global có ý nghĩa rất lớn đối với Viettel, bởi đầu tư quốc tế hiện là một trong những trụ phát triển chính của Tập đoàn. Đây cũng là lĩnh vực đang được Đảng, nhà nước và Chính phủ rất khuyến khích, bởi ngoài ý nghĩa kinh tế, đầu tư nước ngoài còn có ý nghĩa về chính trị, hội nhập và nâng tầm Việt Nam. Vị trí lãnh đạo Viettel Global đòi hỏi người rất toàn diện, về mọi mặt. Ngoài toàn diện về kinh doanh và kỹ thuật, thì người lãnh đạo Viettel Global cần toàn diện cả về kiến thức tài chính, pháp luật, nhân sự” - Thiếu tướng Lê Đăng Dũng khẳng định.
Ông Lê Đăng Dũng (bên phải) bàn giao nhiệm vụ Tổng GIám đốc Viettel Global cho ông Đỗ Mạnh Hùng (bên phải). Ảnh VT
Viettel Global là đơn vị phụ trách mảng đầu tư nước ngoài của Tập đoàn Viettel. Tính đến cuối tháng 6-2018, đã có 8/10 thị trường quốc tế đã kinh doanh có lãi. Các thị trường này bao gồm: Peru, Campuchia, Lào, Haiti, Burundi, Đông Timor, Mozambique và Cameroon. Trong đó, 3 thị trường đã hoàn vốn đầu tư (Lào, Campuchia, Đông Timor) và đứng số 1 tại thị trường về mạng lưới viễn thông, đã thu về gấp 4 - 5 lần giá trị vốn đầu tư.
Hai thị trường còn lỗ kế hoạch là Tanzania (mới kinh doanh 2 năm) và Myanmar (khai trương ngày 9-6-2018). Tuy nhiên, cả 2 thị trường này đều có tốc độ tăng trưởng tốt. Năm 2017, Tanzania đạt tăng trưởng doanh thu 35%. Mytel (thương hiệu của Viettel tại Myanmar) liên tục phá vỡ những kỷ lục khi vừa vượt mốc 2 triệu thuê bao chỉ sau hơn một tháng khai trương – tốc độ phát triển chưa từng có của Viettel tại tất cả các thị trường trên thế giới (gồm cả Việt Nam).
Năm 2016 là một năm khó khăn về đầu tư nước ngoài của Tập đoàn Viettel bởi bất chấp những kết quả tích cực về tăng trưởng doanh thu ở các thị trường, kết quả kinh doanh hợp nhất của Viettel Global vẫn hạch toán lỗ tới 3.475 tỷ đồng. Lãnh đạo Viettel cho biết, nguyên nhân quan trọng nhất của khoản lỗ trên sổ sách này là biến động tỷ giá quá lớn ở các quốc gia châu Phi, chứ không phải bởi kinh doanh đi xuống.
Sang năm 2017, khi không gặp biến động tỷ giá bất lợi, Viettel Global báo lãi gần 27 tỷ đồng (1,18 triệu USD) trong bối cảnh công ty này vẫn phải đầu tư lớn vào thị trường mới ở Myanmar và một số thị trường châu Phi mới ở giai đoạn đầu nên chi phí vận hành lớn. Tính đến thời điểm này, vốn đăng ký đầu tư nước ngoài của Viettel là hơn 2 tỷ USD. Vốn đã thực hiện đầu tư là 1,19 tỷ USD và lợi nhuận đã chuyển về Việt Nam là 516 triệu USD, tức là chiếm gần 45% tổng số vốn đã đầu tư. Trong khi thời gian của giấy phép kinh doanh vẫn còn rất dài. Năm 2018, Viettel Global đặt ra mục tiêu tiếp tục có lãi trở lại. Và mục tiêu tới năm 2020 của Viettel là đứng trong Top 10 công ty viễn thông toàn cầu.