Đến nay, trong lĩnh vực công nghệ cao Viettel đã nghiên cứu chế tạo thành công 78 sản phẩm, làm chủ 68 công nghệ lõi với 111 sáng chế. Tổng doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao đến năm 2018 đạt 1,05 tỷ USD.
Ngày 24-5, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) công bố thành lập Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (Viettel High Technology Industries Corporation - VHT).
Nhiệm vụ chính của VHT là tập trung vào hai lĩnh vực: công nghiệp quốc phòng và công nghiệp điện tử viễn thông.
Tham dự lễ ra mắt VHT có Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng và Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các quan khách tham quan, nghe giới thiệu về các sản phẩm công nghệ cao do Viettel sản xuất tại buổi lễ. Ảnh: T.B. Lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất của Viettel đã bước sang năm thứ 9 và trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2011-2013, Viettel tập trung nghiên cứu các nền tảng, công nghệ lõi, xây dựng quy trình để định hình các dòng sản phẩm và bước đầu chế tạo thử nghiệm sản phẩm. Giai đoạn 2, từ năm 2014-2016, từ chỗ thuần túy nghiên cứu, Viettel đã có những sản phẩm bán được cho các đơn vị trong nước.
Từ năm 2017 đến nay, Viettel thực hiện chuẩn hóa hệ thống quy trình theo quy chuẩn quốc tế, làm chủ công nghệ lõi và bước đầu đưa các sản phẩm ra thị trường thế giới. Cách làm của Viettel là làm chủ toàn bộ các khâu nghiên cứu – thiết kế - chế tạo với quy trình bảo mật tuyệt đối. Đến nay, trong lĩnh vực công nghệ cao Viettel đã nghiên cứu chế tạo thành công 78 sản phẩm, làm chủ 68 công nghệ lõi với 111 sáng chế. Tổng doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao đến năm 2018 đạt 1,05 tỷ USD.
Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, mục tiêu đến 2030 Viettel sẽ đứng trong TOP 10 các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin lớn nhất trên thế giới. “Chỉ bằng việc làm chủ công nghệ lõi thì một quốc gia mới có thể trở thành một quốc gia phát triển và tiên tiến. Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel đã, đang và sẽ là một nhân tố quan trọng trong việc đóng góp vào quá trình hiện đại hóa quân đội, từng bước xây dựng được hạ tầng đồng bộ, hiện đại và nguồn lực mạnh cho phát triển công nghiệp quốc phòng và công nghiệp quốc gia, đưa Việt Nam ra khỏi bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước phát triển” - Thiếu tướng Lê Đăng Dũng khẳng định.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: T.B. Việc thành lập VHT là giai đoạn phát triển thứ tư của Viettel, trở thành tập đoàn công nghiệp công nghệ cao với 3 nền công nghiệp mũi nhọn: công nghiệp quốc phòng, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp an ninh mạng, đi đầu trong tiến trình “Make in Vietnam”, đưa các sản phẩm: quốc phòng, lưỡng dụng, công nghệ mạng ra thị trường quốc tế.
Hệ thống mô hình mô phỏng huấn luyện tăng thiết giáp do Viettel nghiên cứu, phát triển. Ảnh: T.B. Các sản phẩm Viettel đã nghiên cứu, sản xuất: - Về lĩnh vực dân sự: Hệ thống tính cước thời gian thực vOCS; Hệ thống tổng đài chuyển mạch cho mạng 3G vMSC; Hệ thống tổng đài tin nhắn vSMSC; Trạm thu phát 4G – eNodeB; Tổng đài mạng lõi 4G vEPC; Hệ thống nhạc chuông chờ vCRBT; Thiết bị đầu cuối và thiết bị phụ trợ như: Điện thoại di động bảo mật, thiết bị đầu cuối cố định băng rộng cáp quang ONT, thiết bị truyền dẫn Site Router. - Về lĩnh vực quốc phòng: Máy thông tin quân sự bảo đảm thông tin liên lạc cả trên bộ, trên không và trên biển; Hệ thống cảnh giới vùng trời quốc gia; Hệ thống radar công nghệ số ứng dụng AI trong bài toán xử lý, hiển thị mục tiêu và nhiễu; Hệ thống mô hình mô phỏng phục vụ công tác huấn luyện chiến đấu; Hệ thống Quang điện tử hỗ trợ quan sát, giám sát, trinh sát và chỉ thị mục tiêu sử dụng công nghệ ảnh nhiệt (thermal imaging). |
TRẦN BÌNH