Ngày 3-8, tại trụ sở của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), dưới sự chứng kiến của Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Viettel đã tổ chức Lễ bàn giao chức danh Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tại đây, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel (nay Bí thư Ban cán sự Đảng, quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) đã bàn giao chiến lược giai đoạn 4 của Viettel và bàn giao chức danh Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cho Thiếu tướng Lê Đăng Dũng.
Như vậy, sau 3 giai đoạn phát triển kéo dài gần 30 năm, từ một công ty xây lắp (giai đoạn 1989 - 1999) trở thành một công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam (giai đoạn 2000 - 2010) và hiện là một Tập đoàn công nghiệp công nghệ cao (giai đoạn 2010 - 2018), Viettel sẽ bước vào giai đoạn thứ tư sớm hơn dự kiến 2 năm.
Những nội dung chính Chiến lược 4.0 của Tập đoàn Viettel trong giai đoạn tiếp theo 2018 – 2030 là duy trì tốc độ tăng trưởng 10-15%, trở thành tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu, tiếp tục duy trì vị thế dẫn dắt số 1 Việt Nam về viễn thông và công nghiệp công nghệ cao, trở thành top 150 doanh nghiệp lớn nhất thế giới vào năm 2030, trong đó top 10 về viễn thông và CNTT; top 20 về công nghiệp điện tử viễn thông; top 50 về công nghiệp an toàn, an ninh mạng.
Cơ cấu doanh thu viễn thông và công nghệ thông tin chiếm 55%; công nghiệp công nghệ cao chiếm 25%, lĩnh vực đầu tư vào đổi mới, sáng tạo chiếm 10% và lĩnh vực truyền thống là 10%.
Mục tiêu cụ thể đến 2020 của Viettel là đạt doanh thu từ 350.000-400.000 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế 50.000-55.000 tỷ đồng và vào top 10 công ty viễn thông toàn cầu.
Trong chiến lược giai đoạn 4 của mình, Viettel cũng xác định phải đi đầu trong cuộc cách mạng cách mạng công nghiệp 4.0 cho nền kinh tế với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm.
Trong đó tập trung vào các dự án công nghệ 4.0 cho Chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh,… từ cấp Trung ương đến cấp địa phương, ở mọi lĩnh vực cuộc sống.
Viettel cũng tiếp tục duy trì mô hình kiểu mẫu về doanh nghiệp nhà nước, tiên phong nhận thực hiện các việc khó mang sứ mệnh quốc gia.
>> Những thành tựu của Viettel trong giai đoạn 3.0 (từ 2010 -2018):
- Top 30 nhà mạng lớn nhất thế giới, đầu tư ra 10 nước với tổng dân số 240 triệu dân và đang sở hữu khoảng 100 triệu khách hàng; Viettel đã trở thành 1 trong 15 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới.
- Duy trì vị thế là nhà mạng số 1 Việt Nam và trở thành tập đoàn công nghiệp công nghệ cao số 1 Việt Nam. Viettel cũng là lực lượng bảo vệ an ninh mạng số 1 tại Việt Nam.
- Là doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam: Doanh thu tăng trưởng 2,7 lần (từ 92.000 tỷ đồng lên 252.000 tỷ đồng); Lợi nhuận tăng trưởng 2,7 lần (từ 16.000 tỷ đồng lên 44.100 tỷ đồng); Nộp ngân sách Nhà nước tăng 4,5 lần (từ 9.200 tỷ đồng lên 41.100 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu tăng 4,5 lần (từ 28.600 tỷ đồng lên 128.000 tỷ đồng); Thu nhập tăng 1,9 lần. Nộp thuế và ngân sách lớn nhất, lợi nhuận lớn nhất và giá trị thương hiệu cao nhất.
- Đưa viễn thông, CNTT vào mọi mặt của đời sống xã hội. Viettel là nhà mạng tiên phong trong việc phủ sóng di động 2, 3 và 4G trên khắp mọi miền đất nước, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
- Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và thương mại hoá thành công vũ khí chiến lược và thiết bị quân sự công nghệ cao, thiết bị mạng lưới viễn thông. Nhiều sản phẩm trong lĩnh vực này đã được trang bị trong quân đội và được đánh giá có tính năng tương đương với sẩn phẩm của NATO, phù hợp với khả năng tác chiến của quân đội.