Trả tiền cao để thu hút phi công
Ông Dương Trí Thành tiết lộ, tại Vietnam Airlines hiện nay, chế độ bảo hiểm sức khỏe cho phi công áp dụng 100 triệu đồng/người/năm; Bảo hiểm hưu trí tự nguyện là 300 triệu đồng/người/năm và mức lương của phi công Việt Nam đang được đẩy dần lên bằng khoảng 75% phi công nước ngoài, cao nhất là 300 triệu/tháng. Trung bình, phi công Việt nhận 150 triệu đồng/người/tháng.
So với mặt bằng chung, đây là mức thu nhập "đáng mơ ước" nhưng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, các phi công có nhu cầu lớn hơn và Vietnam Airlines hiểu rõ điều đó. Tuy nhiên theo ông Thành, Vietnam Airlines mặc dù đã là công ty cổ phần nhưng bản chất vẫn hoạt động theo các quy định của doanh nghiệp nhà nước.
Cho đến nay, tổng quỹ lương mà trong đó từ lao động đặc thù cho đến lao động thông thường đều phải áp theo chính sách. Kể cả trong trường hợp công ty có năng lực tài chính nhưng cũng không thể linh hoạt tăng lương cho anh em để đảm bảo nguồn lực.
Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành phát biểu tại chương trình Thủ tướng gặp mặt công nhân, người lao động tại TPHCM ngày 5-5
Theo ông Thành, trong giai đoạn đầu phát triển, Vietnam Airlines có thể coi đây là trách nhiệm của hãng hàng không quốc gia, đào tạo nhân lực chung. Thế nhưng bị "kéo" tới 30% của 1 đội bay thì trở thành bất hợp lý. Đầu tư cơ sở để đào tạo phi công, kỹ sư bài bản mất rất nhiều thời gian và tiền của. Hãng này cho rằng không thể yên tâm đầu tư lâu dài khi phải đối diện với những sự bất ổn, đảo lộn về thị trường như vậy.
Do đó, lãnh đạo Vietnam Airlines kiến nghị các bộ, ban ngành có những quy định cụ thể trong Bộ Luật Lao động và các bộ luật chuyên ngành, căn cứ vào những ngành nghề cụ thể, bảo đảm doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Đơn cử như quy định về thời hạn báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, nghĩa vụ đầu tư cho đào tạo của người sử dụng lao động, nghĩa vụ bồi hoàn chi phí đào tạo trước khi chuyển sang làm việc cho doanh nghiệp khác...
Bên cạnh đó, cần ban hành các quy định về kế hoạch sản xuất kinh doanh, mở rộng đội tàu bay của các hãng hàng không phù hợp, đồng bộ với quy hoạch, tốc độ phát triển hạ tầng, kỹ thuật của đất nước", Tổng Giám đốc Vietnam Airlines đề xuất.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đồng ý với kiến nghị của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, bởi Tổng công ty này không chỉ làm nhiệm vụ kinh doanh mà còn phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc gia. Do đó, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng thống nhất ý kiến rằng đối với lao động kỹ thuật cao, đặc thù như phi công, cần có những quy định đặc thù trong Bộ luật Lao động, các nghị định của Chính phủ để đảm bảo nguồn nhân lực.
Trước kiến nghị của Vietnam Airlines và các doanh nghiệp khác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, đang có tình trạng chảy máu chất xám ở một số doanh nghiệp lớn sau khi đào tạo được nguồn nhân lực kỹ thuật cao (có tình trạng liên quan đến phi công) và đề nghị các bộ ngành nghiên cứu tìm giải pháp tháo gỡ, trong đó cần bài toán đào tạo lâu dài.
Phi công nội tự đào tạo chiếm 75%
Thông tin từ Vietnam Airlines cho biết, hiện hãng đang khai thác vận hành trên 115 máy bay với tổng số cán bộ nhân viên hơn 20.000 người, trong đó lực lượng phi công là 1.200 người, kỹ sư máy bay có 2.500 người, đội ngũ tiếp viên 3.000 người. Để đào tạo 1 phi công lái chính Airbus A320, A321, hãng này cần ít nhất 3 - 4 năm đào tạo cơ bản, với phi công lái Airbus A350, Boeing 787, công tác đào tạo kéo dài tới 7 - 8 năm.
Cách đây 25 năm, lực lượng phi công, kỹ sư máy bay chủ yếu đào tạo hoàn toàn tại nước ngoài với chi phí khoảng 200.000 USD/người, phần lớn dựa vào vốn ODA và nguồn lực từ không quân chuyển sang, có chuyển loại.
Tuy nhiên từ đầu năm 2000 đến nay, Vietnam Airlines đã hoàn toàn chủ động trong công tác đào tạo, quản lý, sử dụng nguồn lực phi công, kỹ thuật máy bay.
Với việc tập trung xây dựng cơ sở đào tạo trong nước, đến thời điểm này, Vietnam Airlines đã đào tạo gần 800 trong tổng số 1.200 phi công là người Việt Nam, chỉ còn thiếu khoảng 400 phải tuyển phi công nước ngoài. Tỷ lệ phi công Việt Nam chiếm tới 75% lực lượng phi công giúp hãng tăng năng lực cạnh tranh, giảm chi phí của doanh nghiệp.
Hiện Vietnam Airlines đã xây dựng được trung tâm huấn luyện bay ở TPHCM, thành lập thêm Công ty CP Bay Việt để huấn luyện phi công, chủ động góp vốn đầu tư tổ hợp buồng lái mô phỏng máy bay SIM hiện đại để huấn luyện được phi công của nhiều loại máy bay như Boeing 787, Airbus A350, A321.