Viết tiếp khúc tráng ca Điện Biên Phủ - Bài 1: Những câu chuyện không bao giờ quên

LTS: Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa lịch sử to lớn, mang tầm thời đại, là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Chiến thắng Điện Biên Phủ như là một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử”.

Các chiến sĩ Điện Biên dự cuộc gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 17-4-2024. Ảnh: QUANG PHÚCCác cựu chiến sĩ Điện Biên thắp hương, tưởng nhớ đồng đội cũ tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, ngày 16-4-2024. Ảnh: QUANG PHÚC70 năm đã qua, âm hưởng hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ cùng những ý nghĩa, bài học lịch sử vẫn nguyên giá trị, và trên mảnh đất từng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy, người dân Điện Biên đang viết tiếp khúc tráng ca.

70 năm, rất nhiều người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ không còn. Những người còn lại cũng đều ở tuổi 80-90, “chân chậm, mắt mờ”, nhưng trong họ, ký ức về một thời máu lửa và hào hùng dường như chưa bao giờ phai nhạt.

Ký ức hào hùng

Trong nhiều dòng người về thăm TP Điện Biên Phủ lịch sử vào những ngày tháng 4 này có những chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều người trong số họ mỗi bước đi đều phải có người thân giúp đỡ, nhưng đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng ghi dấu một thời tuổi trẻ, những cụ ông, cụ bà dường như được tiếp thêm sức mạnh.

Bài 1 - 70 năm và những câu chuyện không bao giờ cũ 1b.jpeg
Các cựu chiến sĩ Điện Biên thắp hương, tưởng nhớ đồng đội cũ tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, ngày 16-4-2024. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong câu chuyện kể với phóng viên báo SGGP ngay tại trận địa 70 năm về trước, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa đều nguyên ký ức về một thời “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” nhưng “gan không núng, chí không mòn”.

Đó là những trận đánh vang dội vào trung tâm đề kháng Him Lam, mở toang “cánh cửa thép” ở phía Bắc, đồi A1 - “bùn, máu và hoa”, nơi ghi dấu trận chiến ác liệt nhất; là buổi chiều 7-5-1954 lịch sử, sau khi nhận lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ, các đại đoàn chia làm nhiều mũi tấn công tiến vào phân khu trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ…

Những trận đánh tạo nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, viết lên trang sử hào hùng của quân và dân ta, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam…

Với cụ Lý Văn Ngoan (sinh năm 1935, hiện sống ở thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), đây không phải là lần đầu tiên cụ cùng đồng đội trở lại Điện Biên Phủ, nhưng lần gặp này, số đồng đội đã ít hơn so với những lần trước. Có người đã mất, có người vì sức khỏe yếu không thể quay lại Điện Biên Phủ.

Kể về quá trình tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Lý Văn Ngoan nhớ lại: Khi đó, đồi A1 có vị trí vô cùng quan trọng nên địch cho một tiểu đoàn lính tinh nhuệ chiếm giữ. Sau 4 ngày chiến đấu, quân ta cũng mới chỉ chiếm được một phần nhỏ của khu vực trọng yếu này. Khi đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết tâm bằng mọi giá phải đào được đường hầm, đưa thuốc vào làm nổ tung hệ thống hầm ngầm ở đây.

“Đơn vị tôi được nhận nhiệm vụ đào hầm, công sự tiến về sân bay Mường Thanh. Việc đào hầm phải tuyệt đối bí mật. Ban ngày nằm trong hầm phía bìa rừng, đến 6 giờ chiều, các mũi đào giao thông hào được ngụy trang kỹ bắt đầu lên đường đào hào. Hào đào đến đâu, bùn non lấp đến đó. Nhiều đoạn phải đào hào vừa bốc bùn non ngụy trang, che mắt địch và cầm hơi, lấy sức bằng những vắt cơm đùm, cơm nắm trộn lẫn bùn. Hai bàn tay phồng rát, mọng nước rồi dần dần chai sần. Lưỡi xẻng ban đầu còn tròn trĩnh, sắc lẹm nhưng đến khi đào xong chiến hào thì mòn vẹt, chỉ còn trơ lại một mảnh sắt nhỏ, cong queo…”, cụ Lý Văn Ngoan kể.

Với quyết tâm cao, quân ta đã vượt qua được tất cả để đúng giờ G, khối bộc phá ngàn cân được phát nổ. Đây cũng là mệnh lệnh tấn công đợt cuối cùng, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. “Chúng tôi rất tự hào vì cuộc đời mình được chứng kiến những giây phút hào hùng của lịch sử đất nước”, cụ Lý Văn Ngoan chia sẻ.

Cụ Nguyễn Thiện (92 tuổi, hiện đang ở tổ 7, phường Tân Thịnh, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) từng là lính thông tin thuộc đài vô tuyến điện 101 của Cục Thông tin liên lạc, Bộ Chỉ huy chiến dịch - 1 trong 6 đài vô tuyến đóng ở Mường Phăng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Mặc dù không trực tiếp chiến đấu, không được biết nội dung đã được mã hóa trong các bản tin mật, nhưng thông qua số lượng lớn các bản tin phải khẩn trương nhận và gửi trong suốt 24/24 giờ hàng ngày, người lính Nguyễn Thiện cảm nhận rất rõ sự ác liệt ngày càng gia tăng của các trận đánh.

A5a.jpg
Các cựu chiến sĩ Điện Biên thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ

Có một kỷ niệm mà ông không thể nào quên là khi sắp sửa đến đợt tấn công thứ 3, ông đang tập trung gõ tín hiệu cho một bản tin khẩn thì nghe tiếng đại đội trưởng hô “nghiêm, chào”. Hai đồng đội ngồi gần ông vội đứng dậy chào theo điều lệnh nhưng liền bị ông quát “làm việc đi, khẩn trương lên”.

“Gõ xong tôi quay lại nhìn mới biết bác Võ Nguyên Giáp đến thăm. Lúc đó tôi sợ lắm vì một anh lính 20 tuổi dám thất lễ với một vị tướng. Nhưng, bác không hề quở trách mà còn động viên, khen ngợi tôi đã hoàn thành đúng nhiệm vụ vì việc giữ cho thông tin được thông suốt sẽ góp phần vào thành công của cả chiến dịch. Hình ảnh vị tướng uy dũng mà lại vô cùng ấm áp, nhân hậu đã in sâu trong lòng chúng tôi từ những ngày đó”, cụ Nguyễn Thiện kể.

Màu xanh của hòa bình

Đứng trên đồi A1 trong một chiều cuối tháng 4, cụ Bùi Kim Điều (sinh năm 1930, hiện sống tại tổ 9, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) - từng tham gia trận chiến đấu mở màn đánh vào cứ điểm Him Lam và trận đánh chiếm đồi Độc Lập, xúc động: Thật may mắn cho những chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn được có mặt tại đây để chứng kiến sự đổi thay phát triển của đất nước nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng. Thời gian đã lùi xa, chiến trường xưa giờ là một thành phố trẻ đang trên đà đổi mới, với tương lai đầy hứa hẹn. Đó chính là điều mà các cựu binh Điện Biên thấy hạnh phúc vô bờ.

Bài 1 - 70 năm và những câu chuyện không bao giờ cũ 1d.jpeg
Các chiến sĩ Điện Biên dự cuộc gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 17-4-2024. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong câu chuyện với phóng viên Báo SGGP ngay tại đồi A1, cụ Nguyễn Gia Mẫn (90 tuổi, quê huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 148) cho biết, đã tham gia chiến dịch từ ngày đầu tiên. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông tiếp tục cuộc đời quân ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đi khắp các chiến trường trong Nam, ngoài Bắc. Đến khi về hưu, khi có dịp là người lính Điện Biên lại về chiến trường xưa và lần nào cũng đi viếng hết các nghĩa trang ở Điện Biên.

“Tôi thường dừng rất lâu ở nghĩa trang Him Lam, nơi hầu hết là những nấm mồ vô danh. Phải có sự hy sinh đó thì mới có Điện Biên của ngày hôm nay. Đất nước được hòa bình, thịnh vượng như bây giờ là hạnh phúc lắm”, cụ Nguyễn Gia Mẫn nói.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Phan Bội Châu (tỉnh Nghệ An) cũng có mặt trong dòng người trở về Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dành suốt mấy ngày để thăm lại tất cả địa danh lịch sử nổi tiếng, và trước khi rời Điện Biên, thầy Hiếu quyết tâm đi một vòng cánh đồng Mường Thanh - một trong bốn cánh đồng trồng lúa nổi tiếng nhất Tây Bắc - để tận mắt thấy “miền thanh thản đất trời”, ngắm bạt ngàn ruộng lúa tươi xanh, để thấy một màu xanh của sự sống đang sinh sôi nảy nở trên vùng đất một thời bão lửa.

Bài 1 - 70 năm và những câu chuyện không bao giờ cũ 1c.jpeg
Các cựu chiến sĩ Điện Biên thăm Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, ngày 16-4-2024. Ảnh: QUANG PHÚC

TP Điện Biên Phủ nay rất đẹp nhưng vẫn còn nguyên những dấu ấn của một chiến trường khốc liệt - nơi thành phố có tới 3 nghĩa trang liệt sĩ lớn. Tại đồi A1, chúng ta vẫn tận mắt thấy những giao thông hào, dây thép gai, hố bộc phá ngàn cân và những chiếc xe tăng phơi mình ngoài thực địa...

TP Điện Biên Phủ hôm nay có rất nhiều con đường mang tên các vị tướng quân đội, nhiều phố phường mang tên các địa danh của chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước: Mường Thanh, Him Lam, Độc Lập... Những ngọn đồi trong lòng thành phố mang tên các chữ cái A, C, D, E, F.... Tên những ngọn đồi lịch sử đều thấm đẫm xương máu của những người lính quân đội nhân dân Việt Nam vào 70 năm trước.

Điện Biên Phủ đã đổi thay nhiều, những con đường mới được mang tên Hòa Bình, Quyết Tiến… Sông Nậm Rốm lịch sử vừa được tô điểm thêm một cây cầu mới chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ…

Đó thực sự là những hình ảnh gửi gắm nhiều thông điệp mà không chỉ các cựu chiến binh, mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận rõ rệt khi đến với Điện Biên Phủ: chiến tranh và hòa bình, chiến đấu và dựng xây, tình yêu và khát vọng…

Tin cùng chuyên mục