Sinh khí mới trong khung hình xưa cũ
Chỉ qua những tiết mỹ thuật được học tại trường cấp hai, Nam Chi (tên thật Nguyễn Văn Bắc, SN 1996) đã dần say mê với các dòng tranh dân gian Bắc bộ như Hàng Trống (Hà Nội), Đông Hồ (Bắc Ninh). Từ đó, anh tự mày mò tư liệu hướng dẫn hoàn thiện một bức tranh, từ nấu keo, bồi giấy, cho đến vẽ tranh, vẽ màu.
Do không có hướng dẫn của nghệ nhân lành nghề, nên thời gian đầu đến với tranh dân gian, Nam Chi gặp rất nhiều khó khăn, đôi khi cảm thấy mất phương hướng. Song nhờ những năm theo học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (Hà Nội), với kiến thức đào tạo bài bản về nghệ thuật tạo hình, dựng bố cục, anh đã có thêm cơ hội được học hỏi, tiếp thu nhiều kỹ thuật truyền thống từ các thầy, nghệ nhân của các dòng tranh, nhất là cách cản màu, vờn màu, nghiền vàng vẽ lên tranh, để tạo hiệu ứng sinh động cho các chi tiết trong tranh Hàng Trống.
Họa sĩ Nam Chi vẽ tranh dân gian Hàng Trống |
“Tôi phải lên Google, YouTube và sục sạo tại nhiều cửa hàng sách cũ để tìm mua sách về tranh dân gian để học hỏi”, Nam Chi chia sẻ. Anh cũng bỏ công điền dã đến nhà các nghệ nhân tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật vẽ tranh truyền thống. Do đặc trưng của tranh truyền thống là nghề cha truyền con nối nên anh gặp không ít khó khăn để thu thập được kiến thức và đưa vào thực tế. Từ việc nắm chắc kỹ thuật đặc trưng của dòng tranh xưa cũ, Nam Chi đã mày mò để có cách tiếp cận, thể hiện mới hơn với khát khao lan tỏa sức sống của những dòng tranh đang đứng trước nguy cơ mai một.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, chủ nhiệm của nhiều dự án khôi phục tranh dân gian khi nhắc đến họa sĩ trẻ Nam Chi, đã nhận xét: “Lớp họa sĩ trẻ không thuộc diện gia truyền, được đào tạo bài bản và tư duy sáng tạo xuất hiện là một điều tất yếu trong một xã hội luôn vận động. Những họa sĩ trẻ như Nam Chi sẽ là người viết tiếp câu chuyện về tranh dân gian”.
Nỗ lực “hồi sinh” di sản
Những sáng tạo của chàng trai trẻ này không xa rời mỹ thuật truyền thống là do nguồn cảm hứng sáng tác trong anh đều đến từ những tượng thờ, họa tiết trang trí trên kiệu thờ, ngai thờ, phù điêu, điêu khắc gỗ... có niên đại hàng trăm năm mà anh từng nhìn thấy trong các di tích lịch sử.
Họa sĩ Nam Chi đau đáu, nếu không nhanh chóng tìm hiểu các kỹ thuật tạo tác của các thế hệ đi trước, sẽ không bao lâu nữa, nhiều cổ vật khó tránh khỏi hư hỏng. Bởi vậy, khi có điều kiện, tích đủ tiền, Nam Chi lại đi điền dã, sáng đi học, chiều đi làm, tối về lại cặm cụi vẽ tranh.
Khát khao và nỗ lực có thể “hồi sinh” di sản bước đầu đem lại nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều tác phẩm của Nam Chi nhận được sự đánh giá cao của các nhà nghiên cứu. Dành tình cảm cho họa sĩ trẻ đam mê hội họa truyền thống, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, chia sẻ: “Nam Chi đồng thời có hai lợi thế. Trước hết là được đào tạo bài bản về mỹ thuật, đồ họa hiện đại; hai là sở hữu khả năng cảm thụ và tư duy tạo hình trong tranh dân gian. Bởi vậy, cậu ấy đã rất thành công khi sáng tạo ra những mẫu tranh mới mà không xa rời mỹ thuật truyền thống”.
Bộ tranh Hàng Trống hoàn thiện gần đây nhất của Nam Chi lấy cảm hứng từ 18 pho tượng La Hán tại Chùa Tây Phương (Hà Nội), được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2014, là một trong những minh chứng rõ nét cho sự miệt mài của chàng họa sĩ trẻ. Không sao chép nguyên mẫu các pho tượng vào tranh, các nhân vật trong tranh Nam Chi có sự biến hóa, nhằm tạo sức hấp dẫn với thị giác công chúng đương đại.
Biểu cảm gương mặt được anh tái hiện với vẻ thuần hậu hơn, nước da cũng được tô vẽ cho thêm phần hồng hào, tươi tắn. Trang phục của nhân vật được anh “thêu dệt” lên những hoa văn cầu kỳ như chữ Thọ, dải mây ngũ sắc. Cùng với đó, để bức tranh không đơn điệu, anh xây dựng bối cảnh làm nền cho các nhân vật, tạo cảm giác như những vị La Hán ấy đang sống trong một không gian linh thiêng.
Họa sĩ Nam Chi cho biết, sắp tới anh ra mắt dự án ứng dụng họa tiết của tranh dân gian vào thiết kế các sản phẩm hàng ngày, như áo phông, khẩu trang… Theo anh, mỹ thuật ứng dụng giúp các dòng tranh dân gian tưởng chừng xa lạ với người trẻ, dần đi vào cuộc sống thường nhật và thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ.
Để mỗi chi tiết được đưa vào trong tranh Hàng Trống, nhất là với dòng tranh thờ hàm chứa ý nghĩa lịch sử riêng, Nam Chi tìm hiểu kỹ lưỡng về thần tích, niên đại xuất hiện của từng nhân vật. Với thể loại tranh thờ các vị Thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ, như Chúa Thác Bờ, năm xưa vận động trai bản xẻ gỗ, đóng thuyền đưa nghĩa quân Lam Sơn qua Thác Bờ (Hòa Bình), vốn là một cô gái tộc Mường, nên xiêm y của bà in đậm chất liệu trang phục truyền thống của phụ nữ Mường.