Xu hướng sử dụng vật liệu tái chế
Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam mùa thứ 15 với chủ đề Shaping the future - Kiến tạo tương lai, tiếp tục đánh dấu một cột mốc mới trên hành trình nâng tầm thời trang theo định hướng thời trang bền vững. Điểm nhấn của chương trình là bộ sưu tập (BST) Hoa trên sóng nước của nhà thiết kế (NTK) Lê Thanh Hòa với các thiết kế sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường như lụa Mã Châu, organza, taffeta, sợi cọ raffia, vải vụn… Còn NTK Vũ Việt Hà lại thể hiện sức sáng tạo khi thử nghiệm sử dụng sợi gai để dệt thành vải denim trong BST Nước đầu nguồn. Trên nền loại vải độc đáo đó, anh thêu thủ công hoa văn thủy ba cách điệu khắc họa dòng chảy văn hóa hướng tới tương lai với cách tiếp cận hiện đại.
Gói gọn trong hơn 50 mẫu thiết kế, BST Hai tư sáu của NTK Adrian Anh Tuấn là sự kết hợp tinh tế giữa chất liệu và họa tiết. BST chú trọng đến chất liệu tái chế như hàu, cà phê và tre kết hợp với sợi nhựa. Trong khi đó, NTK Lỗ Thị Thanh Dung mang đến BST It’s watching you sử dụng chi tiết vải denim được tạo ra từ những mảng vải vụn tái chế, mô phỏng hình ảnh dòng nước bị ô nhiễm. Cùng hòa chung xu hướng sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, NTK Nguyễn Minh Công với BST Về nhà Út ơi, bên cạnh các chất liệu truyền thống như vải đũi, lãnh Mỹ A, lụa Tân Châu… còn dùng cả các chất liệu “phi thời trang” như sợi chuối, sợi dây cọ raffia. Ngoài ra, phải kể đến BST In Alignment của NTK Việt kiều Xuân Thu Nguyễn (Hà Lan) khéo léo sử dụng các mảnh vụn, vải bỏ đi, đặc biệt là đồ tái chế. Điều khiến người xem thích thú, bất ngờ khi một chiếc áo Burberry trench được lật trái từ trong ra ngoài kết hợp cùng các loại vải còn sót lại ở mặt sau.
Trở ngại ở giá trị thực tế
Thời trang bền vững là xu hướng tất yếu của thế giới. Thời trang Việt muốn đi xa không thể đứng ngoài dòng chảy đó và thực tế khái niệm này đã dần trở nên quen thuộc với các NTK thời trang trong nước. Từ số ít NTK theo đuổi tinh thần này đến nay đã có nhiều người lựa chọn. Cùng với nỗ lực của các NTK, lần lượt các BST sử dụng chất liệu tự nhiên của Việt Nam ra đời với định hướng đưa thời trang Việt đến những bước xa hơn, mang dáng dấp lối sống đẹp, tích cực cho môi trường, cộng đồng.
NTK Lê Thanh Hòa tâm sự: “Tôi hy vọng việc sử dụng các chất liệu thân thiện, tái chế sẽ góp phần nâng cao thêm nhận thức xã hội đối với xu hướng phát triển bền vững trong thời trang”. Cùng chung kỳ vọng, NTK Xuân Thu Nguyễn chia sẻ: “Tôi mong muốn truyền tải một thông điệp về thời trang và lối sống có ý thức đến với khán giả qua các thiết kế được tận dụng triệt để từ những nguồn nguyên vật liệu tái chế; đồng thời hướng đến sự bền vững và góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của thời trang tới môi trường”.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra với xu hướng thời trang bền vững là tính thực tế khi áp dụng trong cuộc sống. “Một nghịch lý là thời trang xanh, thân thiện môi trường lại thường có giá khá cao so với mặt bằng chung. Ngay cả với sản phẩm tái chế, giá thành cũng không rẻ, bởi để làm ra sản phẩm phải mất quá nhiều thời gian và nhân công”, một chuyên gia thời trang chia sẻ. Đây cũng là thắc mắc của không ít người, rằng trong câu chuyện thời trang bền vững, yếu tố nào mới quan trọng: thông điệp hay giá trị thực tế. Từ chia sẻ của một số NTK, có thể thấy, ngành thời trang khó trở nên bền vững nếu không có sự cân bằng giữa chi phí sản xuất và khả năng tiêu thụ của thị trường. Các sản phẩm thời trang xanh không thể tránh khỏi việc sẽ có giá cao hơn so với các sản phẩm sản xuất công nghiệp, từ đó hạn chế số người sử dụng và kết quả là khó lòng chuyển tải những ý tưởng tốt đẹp như mong muốn. Tìm ra được sự cân bằng sẽ góp phần phổ biến thời trang xanh, mang đến xu hướng thời trang bền vững đúng nghĩa.
Nhà thiết kế Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ: “Thời trang định hình phong cách cá nhân nhưng rất nhiều thiết kế mang lại hậu quả lâu dài cho môi trường. Sử dụng chất liệu là một chuyện và giá trị thực mang lại mới là thứ để người ta nhắc nhớ. Cần làm sao để các thiết kế có vòng đời dài nhất, khiến người sử dụng hiểu thêm ý nghĩa khi sử dụng. Cần nhìn nhận thực tế và thay đổi tư duy thời trang. Không cần làm cho đẹp rồi thôi mà phải làm để tạo ra giá trị thực tế”.