Cầu truyền hình trực tiếp kết nối giữa 3 địa danh gắn liền với sự kiện lịch sử Mậu Thân 1968: Hội trường Thống Nhất; Khu truyền thống cách mạng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh; Khu sinh hoạt văn hóa đa năng xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM.
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM. Cùng dự có các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT, các đồng chí lão thành cách mạng, đại diện nhiều lực lượng tham gia Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Với quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, từ năm 1965, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc chiến tranh nhân dân lên một bước phát triển cao hơn. Quân và dân ta bước vào cuộc “đối đầu lịch sử” chống Mỹ với khí thế sục sôi chưa từng có. Từ hậu phương lớn miền Bắc đến tiền tuyến lớn miền Nam, đâu đâu cũng hừng hực khí thế thi đua: “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”... Tất cả vì mục tiêu thống nhất Tổ quốc. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng đó được quân và dân ta thể hiện hào hùng trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, làm nên bản hùng ca bất diệt.
Đêm 30 rạng sáng ngày 31-1-1968, đúng vào tối mùng 1 Tết Mậu Thân, những tiếng súng của quân và dân ta đồng loạt mở màn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy tại 4 TP, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn. Tại đầu não Mỹ, ngụy ở Sài Gòn, những mục tiêu quan trọng nhất từ Bộ Tổng Tham mưu đến Biệt khu Thủ đô, từ Dinh Tổng thống đến Tòa Đại sứ Mỹ, đều bị đánh phá ác liệt.
Tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí yêu nước và truyền thống cách mạng, sự đấu tranh anh dũng của dân tộc được tái hiện trong chương trình qua các hình ảnh tư liệu, sự chia sẻ từ nhân chứng lịch sử và nhiều tiết mục nghệ thuật dàn dựng công phu với gần 650 nghệ sĩ và diễn viên tham gia.
Trong những ngày xuân Mậu Thân đầy khói lửa ấy, có bao tấm gương cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh trên mảnh đất Sài Gòn - Gia Định. Chương trình tổ chức giao lưu với nhiều chứng nhân lịch sử. Ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn), nguyên chiến sĩ Đội 5 - Biệt động Sài Gòn - Gia Định, người trực tiếp tham gia đánh Dinh Độc Lập, kể lại, ông và 16 đồng chí biệt động di chuyển từ huyện Củ Chi về trung tâm TP. Tuy nhiên, đến tận chiều mùng 1 tết Mậu Thân, ông và đồng đội vẫn không biết “giờ G”, không biết địa điểm đánh. Gần tối, khi lãnh đạo phổ biến điểm tấn công là Dinh Độc Lập, ông và mọi người mỉm cười hài lòng. “Chúng tôi xác định tham gia trận chiến này sẽ chết, nhưng ai cũng cười hài lòng. Nếu có chết khi tấn công ngay hang ổ, sào huyệt của địch thì cũng xứng đáng”, ông Bảy Hôn chia sẻ trong xúc động. Không may mắn như ông Hôn, trong trận chiến đó, nhiều đồng đội của ông đã anh dũng ngã xuống. Họ ra đi không tiếc cuộc đời mình, bởi “nếu ai cũng tiếc tuổi 20 thì Tổ quốc còn gì?”.
Bà Phạm Thị Tám, cựu Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc - huyện Bình Chánh kể, 50 năm trước bà cùng bao nam nữ thanh niên ở Vĩnh Lộc hàng ngày đi chuyển thương, tải đạn. Có hôm đoàn dân công gồm 55 người đang đi thì gặp máy bay địch. Người bạn gái thân nhất của bà Tám hy sinh. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, bạn bà Tám chỉ kịp để lại lời nhắn “Tao sắp chết. Mày về nói với má nuôi con giùm tao”. 50 năm trôi qua, đến nay, khi nhớ lại lời nhắn gởi ấy, bà Tám vẫn bùi ngùi, không cầm được nước mắt. Bản thân bà Tám bị một vết thương lớn ngay sau ót, phải điều trị gần 1 tháng. Bà cũng không kịp gặp chồng của mình, bởi ông bị thương và hy sinh ngay trước ngày bà trở lại nhà. 32 người đã hy sinh trong lần tải đạn ấy. Sau đó, chi bộ xã Vĩnh Lộc tiếp tục chỉ đạo thanh niên tham gia chiến trường. Bà Nguyễn Thị Khởi, cựu Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc - Bình Chánh, bộc bạch, bà và mọi người không sợ chết chóc, không ngại bom rơi đạn nổ. Trong những ngày xuân Mậu Thân hừng hực khí thế 50 năm trước, rất nhiều chiến sĩ, dân công hỏa tuyến lao vào lửa đạn mà không một phút giây chần chừ, họ lựa chọn hy sinh hạnh phúc riêng để đất nước có những mùa xuân sum họp.
Chương trình nêu bật tinh thần bất khuất, ý chí quật cường, lòng dũng cảm vô biên và những tấm gương sáng ngời của những chiến sĩ biệt động, an ninh, chiến sĩ quân giải phóng, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong cùng đồng bào, đồng chí. Đặc biệt là quá trình khơi dậy, quy tụ và phát huy cao độ sức mạnh chính trị - tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân”. Đồng thời, khẳng định tầm quan trọng của đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến lược xây dựng sức mạnh quốc phòng, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trung tướng Phan Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7, nhấn mạnh: “Ngày nay, chỉ có cùng nhau đoàn kết, xây dựng đất nước giàu mạnh mới xứng đáng với sự hy sinh to lớn của cha anh đã tham gia Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”.