
Ngày nay thời cuộc thay đổi, Liên Xô đã là một hoài niệm lịch sử. Nhưng bạn đọc Việt Nam chúng ta yêu mến văn chương Nga nhắc đến văn hào Mikhain Sôlôkhốp vẫn với lòng quý mến một tài năng lỗi lạc.
Mikhain Alếchxanđrôvích Sôlôkhốp sinh ngày 24-5-1905 tại thị trấn Vêsenxcaia thuộc tỉnh Rôxtốp bên sông Đông.
Năm 20 tuổi ông đã xuất bản hàng chục truyện ngắn, ký sự, phóng sự về cuộc sống miền Rôxtốp bên sông Đông nơi cư dân Côdắc Nga sinh sống. Ông đã để 15 năm (1925-1940) để viết nên cuốn tiểu thuyết lớn nhất của văn chương Nga thế kỷ 20. Sông Đông êm đềm đã đưa ông lên hàng ngũ những văn hào lỗi lạc thế giới.

Sông Đông êm đềm đến với người đọc Việt Nam vào những năm 60 của thế kỷ trước. Cùng với tiểu thuyết là bộ phim truyện cùng tên đã là niềm hứng thú, trăn trở buồn vui với các nhân vật của Sôlôkhốp vào những năm nhân dân và bộ đội ta đang chiến đấu chống Mỹ.
Cũng vào những năm này hàng chục tiểu luận bình văn về cuốn tiểu thuyết và bộ phim Sông Đông êm đềm trên các tạp chí, báo tuần của ta thời ấy đã gieo vào lòng người đọc của ta niềm ngưỡng mộ Sôlôkhốp – nhà văn đã một lòng yêu kính con người. Ở ông chân lý cuộc đời, cuộc đấu tranh để xây dựng nó cũng là vì lòng kính yêu con người – tâm điểm của lịch sử và vũ trụ.
Năm 1956 khi Sôlôkhốp được tặng giải Nôben Văn học thì các giới phê bình phương Tây đã đánh giá cao Sông Đông êm đềm: “Đây đích thực là một tuyệt tác đứng lên trên các thành kiến ý thức hệ và giai cấp. Sôlôkhốp là một tài năng lớn của văn chương Nga”. Nhà văn Anh Sáclơ Xnâu cùng thời với Sôlôkhốp cho rằng Sông Đông êm đềm đã “phục sinh” lại nền văn chương Nga sau Lép Tônxtôi. Rộ lên trên thế giới từ Âu sang Á, từ Nga sang Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam... làn sóng tìm đọc Sôlôkhốp của bạn đọc yêu mến nhà văn.
Cùng với Sông Đông êm đềm, Sôlôkhốp đã viết Đất vỡ hoang – câu chuyện dài về cuộc khai phá ruộng đất và phong trào nông trang tập thể ở Nga từ những năm 1930. Năm 1944 khi chiến tranh vệ quốc chống phát xít chưa kết thúc, tác phẩm Họ chiến đấu vì Tổ quốc đã đăng trên báo chí Mátxcơva.
Sôlôkhốp vào những năm chiến tranh (1941-1945) đã là chiến sĩ quân đội Xôviết, là phóng viên mặt trận của báo Sự Thật. Ông đã đến những chiến tuyến từ miền Trung Nga lên Bắc xuống Nam. Ông đã viết hàng chục ký sự, phóng sự về cuộc chiến đấu của quân đội Xôviết và nhân dân Nga dũng cảm trong cuộc chiến đầy hy sinh và gian nguy chống lại quân phát xít.
Cuốn truyện Số phận người lính và sau này trở thành bộ phim truyện cùng tên những năm 1960 là một hiện tượng nghệ thuật làm xao động bạn đọc chúng ta một thời. Cuốn truyện sử thi làm nổi lên vấn đề lớn nhất của thời đại là chiến tranh và hòa bình. Một tác phẩm tự sự đậm đà chất trữ tình về số phận một con người nhưng là số phận của nhân loại, của quá khứ hướng về tương lai.
Lời nói của Mikhain Sôlôkhốp đã trở thành lý tưởng và mục tiêu của các nhà văn Nga: “Mỗi người chúng ta viết theo mệnh lệnh trái tim mình và trái tim mình thì thuộc về Đảng và nhân dân ruột thịt mà chúng ta phụng sự bằng nghệ thuật của mình” còn vang vọng đến hôm nay.
MAI THÚC LUÂN