Ngồi sửa xe vỉa hè và viết sách
Ông bắt đầu câu chuyện về cuộc đời mình khi còn tuổi thơ ở quê nhà xã Thanh Nghi, huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An): “Hồi nhỏ bỏ học hoài vì nhà nghèo, không phải học dốt bị đuổi... Đến năm 1945 thì tôi đậu được bằng cao đẳng. Từ lúc đi học, tôi đã bắt đầu nghiên cứu và viết sách về lịch sử, in được mấy quyển: Dì ghẻ con chồng, Đời sống... Năm 1954 vào Nam, tôi làm công chức của chế độ Sài Gòn, chọn ngành chuyên môn là quản lý ruộng đất và bắt đầu viết một loạt sách, như: Non nước Phú Yên, Non nước Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận, Non nước Quảng Trị…”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ.
Sau năm 1975, ông nghỉ việc. Để nuôi sống gia đình, ông chọn nghề sửa xe đạp, ngồi trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Trỗi, đoạn gần Cổng xe lửa số 7 (quận Phú Nhuận). Lúc rảnh, không có khách, ngồi nhìn người qua lại thấy vô vị, ông kê quyển tập lên thùng đồ nghề, viết sách. Xâu chuỗi tư liệu từ những quyển sách đã đọc, rồi hư cấu thêm nhân vật, câu chuyện, ông chọn viết Thời loạn 12 xứ quân, thể loại sách khuyết sử, theo thể chương hồi. Ông nói: “Tôi ngồi vỉa hè viết như vậy, khi có khách đến sửa xe thì ngừng lại. Trong những người đến sửa xe có một số bạn trẻ là sinh viên, tôi đưa bản thảo nhờ đọc trong lúc chờ sửa xe cho khỏi sốt ruột. Khi đọc, họ nhận xét là được. Do có sự động viên đó mà suốt thời gian ngồi sửa xe đạp trên đường Nguyễn Văn Trỗi, tôi hoàn thành bộ sách Loạn 12 xứ quân, trường thiên tiểu thuyết dày 1.500 trang. Sau đó được Nhà Xuất bản Đồng Nai in thành 6 tập. Gần đây, Nhà Văn hóa Văn nghệ tái bản, ghép lại thành 3 tập”.
Những năm đầu thập niên 1980, thành phố đổi tên 100 con đường, nhiều tên đường còn mới rất lạ với dân chúng. Thấy vậy, ông mới nghỉ công việc sửa xe vỉa hè, tập trung vào việc sưu tầm, viết sách tên đường để phục vụ bà con. Hàng ngày, ông đạp chiếc xe đạp mini đi khắp các tuyến đường ở nội, ngoại thành tìm hiểu từng con đường đi từ đâu tới đâu, qua những ngã ba, ngã tư nào, rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu...
Sau khi thu thập được những tư liệu như vậy, ông liên lạc với các cơ quan hành chính, vào thư viện tìm đọc tiểu sử các nhân vật được đặt tên đường, rồi viết ra thành sách. Trước khi đưa đi in, ông gặp nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nhờ đọc, đối chiếu tư liệu. Sách sau đó được Nhà Xuất bản TPHCM in, phát hành rộng rãi đến người dân. Cũng năm đó, Sở VH-TT TPHCM mời ông tham gia hội đồng đặt tên đường. Với kiến thức và tư liệu thu thập được, ông góp vào kho tên đường với gần 1.000 con đường, trong đó có đường Trường Sa và Hoàng Sa hai bên kênh Nhiêu Lộc. “Tôi tự hào, hãnh diện vì đã tham gia đặt tên cho 2 con đường này, khẳng định 2 quần đảo đó là của Việt Nam, ngay sau sự kiện đảo Gạc Ma năm 1988”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nói.
Rèn luyện và suy nghĩ tích cực
Để có sức khỏe, trí tuệ minh mẫn, trí nhớ được lâu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nhiều lần chia sẻ với công chúng 2 điều, đó là: Rèn luyện sức khỏe, tập thể dục đều đặn và suy nghĩ tích cực, không chấp nhặt những điều vụn vặt trong cuộc sống. Ông nói: “Năm tôi 100 tuổi, đều đặn mỗi sáng có 45 phút tập thể dục trong nhà. Bác sĩ khuyên nên đi bộ nhưng nhà trong khu xóm chật hẹp không thể đi được. Tôi ở căn phòng nhỏ trên tầng 2, lên xuống là 72 bậc. Trước kia mỗi ngày lên xuống hơn 40 lượt, khoảng 1.500 bậc. Nay tuổi đã hơn 100, sức khỏe có giảm chút ít nên mỗi ngày chỉ lên xuống được gần 1.000 bậc”. Với bộ sách Từ điển hành chính Nam bộ dày 1.500 trang xuất bản đúng vào năm sinh nhật 100 tuổi, được ông cho là kỳ tích của sức làm việc không mệt mỏi suốt gần 5 năm trời.
“Viết về quyển sách này, tài liệu rất hiếm, tôi phải tới Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2 trên đường Lê Duẩn (quận 1) xin đọc tất cả bộ Công báo của thời Pháp thuộc, từ năm 1863 đến 1945. Tôi xin được đọc hết bộ Công báo đó, bởi vì tất cả những tên địa danh gì là đều có nghị định, quyết định và được đăng trên Công báo. Sáng nào tôi cũng đạp xe đến trung tâm xin đọc, đến giờ nghỉ trưa thì ra ngoài ăn cơm hộp, xong vô trải tấm ni lông giữa sàn nằm nghỉ. Chiều nghe chuông reo lại chồm dậy, vào đọc tiếp. 4-5 năm như vậy đến khi sưu tập đủ tài liệu mới viết. Viết xong chưa biết đưa cho nhà xuất bản nào, vì sách dày hàng ngàn trang bản thảo. Nhân đi dự họp Hội Sử học ở Hà Nội, tôi mang theo, gặp một cán bộ ở Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, tôi đưa cho xem. Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia nhận in quyển sách. Quyển sách này sau dự thi Sách hay Việt Nam, được giải Bạc năm 1997”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ.
Kể về hành trình viết sách ở tuổi 100, ông giới thiệu với chúng tôi các quyển: Tiểu sử và hành trang các nhà khoa cử Hán học Nam bộ, Tổ chức hành chính các tỉnh Nam bộ thời Pháp thuộc, Chế độ Thực dân Pháp trên đất Nam kỳ (Giải A sách Quốc gia) và hiện nay đang hoàn chỉnh bản thảo bộ sách về Sài Gòn - TPHCM 300 năm viết từ năm 1998, bổ sung thêm 24 năm sau này thành 2 quyển: Sài Gòn - TPHCM 324 năm (đã in, xuất bản quyển 1, đang in quyển 2). Đến nay, sau hơn 80 năm viết sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã có được 60 bộ sách, chủ yếu là lịch sử, văn hóa và địa lý với nhiều giải thưởng lớn.
Ở tuổi 103, ông nói: “Tôi đang đặt ra mục tiêu viết khoảng 10 quyển nữa, trong đó có 3 quyển Từ điển Địa danh hành chính Trung bộ, Nam bộ và Tây Nguyên, gồm tên làng xã của tất cả các địa phương còn lại của 3 khu vực này. Ngoài ra, còn 4 quyển nữa sẽ được viết là Quá trình hình thành và phát triển các tỉnh Nam bộ, Trung bộ, Bắc bộ và Tây Nguyên; một quyển đang còn viết dở do Nhà Xuất bản Tổng hợp đặt hàng Từ điển Đối chiếu tước hiệu, tôn hiệu và tên người dưới thời phong kiến”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ: “Một ngày, tôi làm việc khoảng 10 giờ. Tôi vẫn giữ thói quen đều đặn tập thể dục buổi sáng. Còn ăn uống thì điều độ, có thức ăn ngon cũng không ăn hơn, thức ăn dở không ăn kém hơn. Bia rượu thì uống được nhưng uống rất ít; thuốc lá không hút, tinh thần luôn vững, nhớ được những chuyện khi mới 6-7 tuổi, có thể nhớ để viết lại được, y như một bức tranh trước mắt vậy”.
Đầu tháng 11, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) và UBND quận Bình Thạnh đã tổ chức lễ trao bằng Tôn vinh Giá trị nội dung Kỷ lục Việt Nam đến nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, với nội dung: Người có quá trình 80 năm lao động, sáng tạo, cống hiến, đóng góp nhiều nội dung đặc biệt giá trị về văn hóa, lịch sử, địa chỉ của các vùng miền, tỉnh, thành phố của Việt Nam với 60 tác phẩm đã xuất bản. |