“Mì ăn liền”, bắt trend
“Cách đây vài ngày, tôi có trò chuyện với nhóm bạn trẻ làm sách chuyên nghiệp trong nước, họ có tốc độ ra sách nhanh khủng khiếp. Nhóm các bạn ấy có đội viết dựa vào ChatGPT, có đội biên tập… Một số sản phẩm sách có sự hỗ trợ từ ChatGPT bán được”, đó là thông tin được chia sẻ từ anh Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ WEWE (VoizFM). Anh Lê Hoàng Thạch cho biết thêm, nhóm làm sách lựa chọn những đề tài đúng trend (xu hướng) giới trẻ như viết về thao túng tâm lý, cách chữa lành… và đặt tựa rất bắt tai. “Đây là trường hợp khá thú vị tôi biết. Những người cầm bút, hay nói đúng hơn là cầm bàn phím, rất biết mình cần viết cái gì người khác đang quan tâm. Không thể ngồi viết cần mẫn quá lâu như ngày trước, bởi như vậy sẽ “qua trend”, hết xu hướng nên họ dùng ChatGPT. Hoàn toàn có thể nói đó là những sản phẩm “mì ăn liền” và họ có thể bán được sách cho một bộ phận độc giả muốn đọc kiểu như thế…”, anh Lê Hoàng Thạch nói.
Câu chuyện trên đã đặt ra những câu hỏi: ChatGPT tác động ra sao đến việc viết sách? Nên viết sách bằng ChatGPT hay bằng gan ruột? ChatGPT có bào mòn sức sáng tạo của người viết?
Tác giả Lê Huỳnh Đức có 8 năm theo nghề viết lách cho biết đã tìm hiểu khá kỹ về ChatGPT mấy tháng qua. Theo Lê Huỳnh Đức, từ gợi ý của các tác giả, ChatGPT có thể tạo ra đề cương, chương mục, mục lục cho cuốn sách khá tốt, người viết có thể tham khảo và dựa vào đó để tinh chỉnh. Anh tin rằng thời gian tới sẽ có không ít tác giả, nhóm tác giả trẻ xuất hiện cùng xu hướng viết có sự hỗ trợ từ ChatGPT.
Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TPHCM, cho biết, với tư cách là nơi đón nhận các tác phẩm còn thô từ tác giả nhiều độ tuổi, bà nhận thấy việc ứng dụng công nghệ hay ChatGPT chưa thực sự nhiều, rõ ràng. Dù vậy, xu hướng tận dụng công nghệ đang dần dần phổ biến, điều này có thể có ở các cây bút trẻ. “Tuy nhiên, theo tôi, thứ tạo nên phong cách, nét riêng của từng cây bút phải từ bên trong bản thân mình. Kiến thức có thể tham khảo, cách viết có thể trau dồi nhưng sáng tạo cá nhân, năng lực riêng mới quyết định cây bút đó gây ấn tượng với độc giả ra sao”, bà Đinh Thị Thanh Thủy nhận định.
Nguy cơ bào mòn trí sáng tạo
Nhà văn Phương Huyền đánh giá cao công nghệ này và thấy thú vị khi mọi người chia sẻ, tìm hiểu nhiều về nó. Bản thân chị cũng từng thử ứng dụng ChatGPT vào việc hỗ trợ công tác chia sẻ với học sinh các trường. Nhà văn cho biết, thế hệ chị vẫn sẽ nghiên cứu sử dụng phù hợp các ứng dụng công nghệ để mở rộng trí tưởng tượng, sáng tạo của mình hơn. Tuy nhiên, nhà văn Phương Huyền khẳng định: “ChatGPT chỉ là công cụ hỗ trợ. Nó có thể đưa ra nhiều câu chuyện nhưng không thể nào như nhà văn Trần Đức Tiến viết Xóm bờ dậu hay nhà văn Kim Hòa viết Đỉnh khói, Cửa sổ phía đông, Cơn lũ vẫn chưa qua, Con chim phụng cuối cùng… với bao điều thú vị, sâu sắc phía sau câu chữ”.
Trẻ em chọn mua sách tại Đường sách TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Đồng tình góc nhìn của nhà văn Phương Huyền, tác giả Lê Huỳnh Đức chia sẻ: “Nhờ ChatGPT viết một cuốn sách theo giọng văn của nhà văn Mỹ Dan Brown cùng kinh nghiệm vài năm viết lách có thể làm được. Nhưng điều này lại dẫn đến việc có phải chúng ta đang dùng ChatGPT để bắt chước hay không? Tôi cho rằng, người viết trẻ nên xem sản phẩm công nghệ như một trợ lý đắc lực và mình mới là trọng tâm chứ không thể để nó dẫn dắt”.
Theo PGS-TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học Tính toán, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), ChatGPT là thành quả của trí tuệ nhân tạo. Công nghệ số từng có nhiều ứng dụng nhưng để gây sốt như ChatGPT là bởi nó liên quan đến ngôn ngữ. “Không thể phủ nhận ChatGPT có nhiều ưu điểm, nó tổng hợp tri thức của cả trăm thứ tiếng, từ hàng trăm ngàn cuốn sách. Tuy vậy, nếu lạm dụng việc mài mòn trí sáng tạo của con người là điều không tránh khỏi. Điều này khiến người viết dễ… lười. Nói chung, máy móc không thể thay thế con người, vì máy móc không có cảm xúc”, ông Đinh Điền phân tích.
Phát động phong trào “Cựu chiến binh đọc và giới thiệu sách”
Ngày 20-4, Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh quận 1 (TPHCM) phát động phong trào “Cựu chiến binh đọc và giới thiệu sách” nhằm lan tỏa phong trào đọc sách trong cán bộ hội viên và đông đảo người dân. Theo đó, hội phát động các chi hội, hội viên thi đua đọc sách, làm theo sách và tổ chức các cuộc thi, sinh hoạt chuyên đề về sách; vận động mỗi người đọc có bài viết cảm nhận, rút ra bài học cho bản thân. Hội phấn đấu có 1.000 đầu sách tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở số 148 Bis Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1).
DUY PHÚC
Tác giả TRUNG NGHĨA, Đại sứ Ngày Sách và Văn hóa đọc TPHCM 2023: Đọc sách thắp lên niềm hy vọng
Đọc sách với tôi là duy trì một thói quen, niềm yêu thích tự nhiên từ thuở bé cho đến khi trưởng thành. Đều đặn mỗi năm, tôi mua, đọc khoảng 100 cuốn sách cho dù không phải cuốn nào cũng đọc hết. Tôi chọn đọc kỹ ít nhất 50 cuốn của các tác giả cả trong lẫn ngoài nước, thể loại từ thiếu nhi đến văn học, sách giúp rèn luyện, nâng cao kỹ năng sống, bút ký và lịch sử. Tôi cố gắng viết bình luận, đánh giá cụ thể về 50 cuốn này để sẻ chia cùng các cộng đồng yêu sách, lan tỏa sách hay, giá trị với mọi người.
Tôi thấy rằng, tiềm năng của thị trường sách ở Việt Nam là rất lớn. Hiện nay tỷ lệ đọc sách, mua sách bình quân đầu người của chúng ta vẫn còn kém rất xa so với khu vực và thế giới. Đáng mừng là đã có rất nhiều nỗ lực khuyến khích văn hóa đọc cho cộng đồng một cách thiết thực, hiệu quả. Chúng ta không chỉ có đợt hoạt động cao điểm của Ngày Sách và Văn hóa đọc vào tháng 4 hàng năm mà trong mọi thời điểm, các nhà xuất bản, đơn vị làm sách, nhà phát hành tại Việt Nam đều nỗ lực, chung tay thắp lửa lan tỏa văn hóa đọc bằng nhiều hình thức sáng tạo, năng động, nhanh nhạy, đáp ứng thời đại mới.
Hiện nay, bạn đọc vẫn “đói” sách hay, bổ ích và có giá trị tham chiếu phù hợp mỗi nhu cầu, sở thích cá nhân. Giới trẻ hiện nay có muôn vàn sự lựa chọn tiếp thu kiến thức, thông tin qua các phương tiện nghe nhìn, internet nhưng việc cầm trên tay cuốn sách giấy để đọc vẫn hấp dẫn đối với họ. Không chỉ nâng cao tri - kiến thức, sách còn giúp các bạn tham khảo những điều hay lẽ phải, nuôi dưỡng cảm xúc tâm hồn, vượt qua những khó khăn, “chữa lành” những nỗi buồn và thắp lên niềm hy vọng tương lai.
Bác sĩ ĐỖ THÁI PHƯƠNG NGỌC, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TPHCM: Đọc sách là văn hóa
Từ khi còn chưa biết chữ, tôi làm quen với sách bằng hình ảnh và lời đọc của ba mẹ. Sách như một cánh cửa mở ra những thế giới mới, lạ lẫm cho tâm hồn trẻ thơ của tôi khi đó. Khi muốn hiểu thêm về những vùng đất mới, văn hóa của các quốc gia khác nhau, thậm chí là một ngôn ngữ khác lạ ngoài tiếng Anh được học trong nhà trường hoặc học một kỹ năng khác như làm thủ công, nấu ăn, vẽ tranh, gấp giấy… thì sách là điều tôi nghĩ đến đầu tiên. Thế hệ sinh ra ở thập niên 1980, 1990 như chúng tôi vẫn có thói quen đọc sách giấy, báo giấy vì khi đó sách báo online không phổ biến và tiện lợi như bây giờ.
Hiện tại, sau những công việc bề bộn của nhân viên y tế, tôi vẫn luôn đến với sách ít nhất 1-2 lần/tuần, hoặc nhiều hơn trong những kỳ nghỉ dài ngày. Tôi nghĩ, các bạn trẻ hiện nay sẽ ưa chuộng phương thức đọc online hơn nhưng sách giấy sẽ giảm tác hại phóng xạ từ các phương tiện điện tử. Ngoài ra, cảm giác lật từng trang sách giúp tôi giải tỏa căng thẳng từ công việc, cuộc sống.
Những năm gần đây, tôi thấy các nhà xuất bản đã tích cực hơn trong việc đưa về những đầu sách hay từ các tác giả nước ngoài; vấn đề bản quyền và thiết kế bìa sách, hình thức in ấn được chú trọng nhiều hơn. Đây là tín hiệu đáng mừng. Hy vọng, ngành xuất bản và phát hành sách trong nước ngày càng tiến bộ hơn. Những nhà sách với khu vực đọc an tĩnh hoặc được thiết kế dãy kệ sách dài, đẹp mắt như ở các nước phát triển là điều mà những người thích đọc sách như tôi luôn mong muốn. Đọc sách không chỉ là một thói quen, nó còn là một văn hóa, món ăn tinh thần cho mọi thế hệ.