Những “đứa con tinh thần” giá trị
Dẫn chúng tôi tham quan khu nhà màng trồng cà chua bi sinh trưởng vô hạn, ứng dụng công nghệ 4.0 tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, chị Nguyễn Thị Kim Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM) tự hào khi quy trình sản xuất do chị và các đồng nghiệp nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn, đem lại lợi nhuận lớn cho người dân, doanh nghiệp.
Đây cũng là sáng kiến chị tâm đắc, bởi khi áp dụng, người nông dân có thể kéo dài tuổi thọ của cây lên gấp 3-4 lần so với sản xuất theo kiểu truyền thống; cho ra sản phẩm sạch, an toàn và giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí sản xuất.
Chị Khánh kể, cách đây 5 năm, một lần đi khảo sát khu vực trồng cà chua bi của nông dân, chị thấy cây sinh trưởng và phát triển chậm, năng suất thấp. Khi trở về trung tâm, chị trăn trở, bàn bạc cùng đồng nghiệp để tìm giải pháp.
“Qua nhiều thất bại, ngày nghiên cứu thành công, cả nhóm vỡ òa trong niềm vui”, chị Khánh cho biết và chia sẻ, cái khó là làm sao để xác định được chính xác lượng nước, dinh dưỡng cho cây theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Mặt khác, phải canh theo mùa mưa, mùa nắng để làm sao vừa đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây phát triển tốt nhất, vừa đem lại sản phẩm sạch, an toàn và tiết kiệm nhất cho người nông dân. Nâng niu cây cà chua bi đang phát triển xanh tốt, chị Khánh không giấu được niềm vui khi đã chuyển giao thành công quy trình cho một công ty ở tỉnh An Giang để sản xuất quy mô lớn.
Nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu của TPHCM. Nắm bắt xu hướng đó, chị Phan Diễm Quỳnh, Trưởng phòng Thực nghiệm cây trồng - Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM (thuộc Sở NN-PTNT TPHCM) cùng cộng sự đã nghiên cứu nhiều giống cây kiểng, hoa, cây ăn trái và làm lợi cho đơn vị hơn 11 tỷ đồng. Qua đó giúp người nông dân được tiếp cận kỹ thuật trồng mới, phát triển được nghề trồng trọt ngay chính trên mảnh đất quê hương. Nổi bật là sáng kiến “Quy trình kỹ thuật sản xuất lan Mokara”. Lan Mokara nhập vào Việt Nam từ năm 2000, chủ yếu phát triển tại TPHCM theo mô hình hộ gia đình, quy mô nhỏ. Để Việt hóa cây lan Mokara, chị Quỳnh phải nghiên cứu thiết kế nhà lưới trồng lan phù hợp với địa hình và khu vực trồng, thỏa mãn các yêu cầu ngoại cảnh. Cùng với đó, chọn giống tốt, xác định chế độ dinh dưỡng phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây và các biện pháp xử lý sâu bệnh hại.
Khi đã có một quy trình chuẩn để cây lan phát triển, nhóm nghiên cứu lại đảo ngược về giải pháp để nhân giống lan Mokara đáp ứng được nhu cầu của người trồng. Sau nhiều tháng mày mò, chị Quỳnh đã thành công với nghiên cứu nhân giống cải tiến bằng phương pháp cắt đọt, góp phần nâng hệ số nhân giống lên 1,5-2 lần, nhờ đó người trồng chủ động nguồn cây giống, tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng thu nhập. Sản lượng hoa thu hoạch tăng so với mô hình sản xuất truyền thống 10%-15%.
“Việc nghiên cứu và chăm sóc một cây cũng như thai nghén và chăm sóc một đứa trẻ, phải dồn tâm huyết, tình yêu thương và không ngừng tìm hiểu để tìm ra hướng phát triển tốt nhất. Bản thân tôi yêu cây, yêu hoa và thích thú khi ngắm nhìn những chồi hoa chớm nở. Có lẽ đó là động lực để tôi tiếp tục nghiên cứu”, chị Quỳnh trải lòng.
Hơn 10 năm gắn bó với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong vai trò người quản lý, chị Nguyễn Thị Kim Khánh không chỉ tích cực tham gia nghiên cứu giống cây mới, quy trình chăm sóc cây, hoa, dược liệu quý, mà còn là người truyền lửa, đào tạo thế hệ nhà khoa học trẻ đầy lòng đam mê và nhiệt huyết. Hàng năm, chị thường đề xuất và cử các nhà khoa học trẻ đi học tập kinh nghiệm ở các nước có nền nông nghiệp công nghệ cao như Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore… tiếp cận những công nghệ tiên tiến đem về ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách bền vững. |
Lấy sáng tạo làm động lực
Thấy chị Võ Thị Hãi, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Xí nghiệp liên doanh Vianco (quận 5, TPHCM) xuống xưởng kiểm tra sản phẩm, nhiều công nhân hỏi thăm: “Bao giờ bắt tay sản xuất sản phẩm mới vậy chị?”. “Sắp rồi nè, có gì nhờ các anh chị hỗ trợ nhé!”, chị Hãi trả lời trong niềm vui. Ngày trước, khi sản phẩm mới được đưa vào sản xuất, nhiều công nhân lo lắng vì sợ sản phẩm khó làm, chưa được ưa chuộng, thu nhập hàng tháng của họ sẽ bị giảm. Nhưng qua sự thành công của nhiều sản phẩm do chị Hãi đưa ra, giờ đây người lao động của đơn vị biết thu nhập sẽ tăng lên nếu công ty có thêm sản phẩm mới.
Chị Hãi cho biết, lý do chọn nghiên cứu sản phẩm này bên cạnh doanh thu thì chị và các cộng sự còn có tham vọng giúp ai cũng có thể nấu được món phở Việt Nam. Gần 1 năm nghiên cứu với nhiều thất bại, ngày sản phẩm thành công với một công thức rất riêng, chị Hãi và nhiều đồng nghiệp òa khóc. Hơn 4 năm có mặt ở thị trường trong và ngoài nước như Nhật Bản, Hà Lan, Hoa Kỳ…, sản phẩm không chỉ được đánh giá thơm ngon, đậm đà vị Việt mà cũng từ đó trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của công ty.
Còn chị Lê Thị Kim Loan, Trưởng phòng kế hoạch sản xuất và quản lý kho vận Nhà máy Unilever Củ Chi, đã kinh qua hơn 10 vị trí khác nhau trong công ty. Ở vị trí nào, chị cũng để lại những dấu ấn bằng các sáng kiến, ý tưởng đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả công việc. Từ đam mê, chỉ sau hai tháng thử việc, chị Loan đưa ra những ý tưởng để tối ưu hóa mặt bằng nhà kho nhằm tăng khả năng chứa đựng sản phẩm cũng như tiết kiệm chi phí vận chuyển, nhân công. Rồi những ý tưởng khác cũng được chị Loan cho ra đời từ trăn trở trên công việc thực tế.
Giai đoạn dịch Covid-19 xảy ra căng thẳng tại TPHCM, nhân viên đi lại khó khăn khiến việc sản xuất gặp khó, nguy cơ không đủ hàng hóa cung cấp cho thị trường. Lúc đó, chị Loan nghĩ phải tìm cách để liên kết các khâu, từ cung cấp nguyên vật liệu đến đưa sản phẩm ra thị trường. Sáng kiến “Chuyển hóa số ứng dụng công nghệ lập trình ITO” của chị ra đời từ đó. Để xây dựng ứng dụng, chị Loan gặp không ít khó khăn do phải sử dụng nhiều dữ liệu của nhiều phòng ban khác nhau. Rồi khi có dữ liệu thì phải thức đến 3-4 giờ sáng để làm cho xong công việc. Sau gần 2 năm nghiên cứu, chị hạnh phúc khi công trình của mình được công ty ứng dụng vào quy trình sản xuất của nhiều nhà máy trên cả nước.
“Là người phụ nữ hiện đại, tôi luôn tìm sự mới mẻ trong công việc, tìm cảm hứng sáng tạo từ những ức chế trong công việc. Với tôi, còn làm việc là còn sáng tạo, đó là động lực để phát triển”, chị Loan bày tỏ.
Hôm nay, trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2022 Hôm nay, 19-8, tại Hội trường TPHCM, UBND TPHCM, Liên đoàn Lao động TPHCM và Báo SGGP trang trọng tổ chức lễ trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2022 cho 20 kỹ sư, công nhân tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực. Đây là những kỹ sư, công nhân có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học thiết thực, được áp dụng vào quá trình lao động sản xuất kinh doanh. Không chỉ vậy, họ còn là những người nhiệt huyết truyền lửa, hỗ trợ, hướng dẫn cho công nhân trẻ khơi nguồn sáng tạo. |