Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người. Nhờ ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười mà Nguyễn Ái Quốc tìm thấy được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc: “Ngọn đuốc lý luận Mác - Lênin và kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười soi sáng con đường Cách mạng Việt Nam. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Từ thắng lợi của Cách mạng Việt Nam theo con đường Cách mạng Tháng Mười, quan hệ Việt Nam - Liên Xô và ngày nay là quan hệ Việt - Nga tiếp tục phát triển bền chặt.
Lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ 20 đặt ra yêu cầu phải có con đường cứu nước mới, để phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đủ sức chiến thắng thực dân Pháp, giành độc lập cho dân tộc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước của dân, do dân, vì dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do.
Ngày 30-1-1950, Chính phủ Liên Xô công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở trang lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Nga ngày nay.
Nhân chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, ngày 25-11-2014, Tổng thống Vladimir Putin đã đón tiếp và hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Dinh thự Botrarov Rutrei ở thành phố Sochi
Quan hệ Việt Nam - Liên Xô trước đây, ngày nay là quan hệ Việt - Nga mà Cách mạng Tháng Mười là tiền đề quyết định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga đến nay đã trải qua 67 năm.
Dù trải qua những thăng trầm nhưng quan hệ đó đang ngày càng phát triển bền chặt qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1950-1990: Trong bối cảnh cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đang diễn ra ác liệt, tháng 1-1950, Liên Xô cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, khẳng định địa vị pháp lý chính đáng của chính thể dân chủ cộng hòa lần đầu tiên được xác lập ở Việt Nam.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam, Liên Xô luôn giương cao khẩu hiệu “đối với những người cộng sản Liên Xô, đoàn kết với Việt Nam là mệnh lệnh của cả trái tim và trí tuệ”. Giai đoạn 1991-2000: Vào cuối năm 1991, Liên Xô giải thể, 15 nước cộng hòa thành viên của Liên Xô trở thành những quốc gia độc lập. Riêng Liên bang Nga trở thành nước kế thừa Liên Xô trong các mối quan hệ quốc tế, trong đó có quan hệ với Việt Nam.
Từ giữa những năm 1990, quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Nga bắt đầu khởi sắc nhờ những nỗ lực của hai nước trong việc tạo dựng khuôn khổ pháp lý mới cho quan hệ song phương. Giai đoạn từ năm 2001 đến nay: quan hệ đối tác chiến lược được xác lập và ngày càng đi vào chiều sâu.
Quan hệ chính trị có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Tháng 6-1994, hai bên đã thống nhất ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, làm cơ sở để thiết lập nền móng cho quan hệ giữa hai nước. Trên nền tảng đó, tháng 3-2001, hai bên đã ký Tuyên bố chung về quan hệ “Đối tác chiến lược Việt - Nga”, chính thức hiện thực hóa khuôn khổ quan hệ song phương trong thế kỷ XXI.
Hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, trọng tâm là phát triển quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư, coi đây là trọng tâm trong quan hệ song phương. Hợp tác kinh tế Việt - Nga ngày càng được tăng cường với 4 lĩnh vực trụ cột gồm thương mại, đầu tư, dầu khí và năng lượng điện, với kim ngạch song phương tăng từ 500 triệu USD năm 2001 lên gần 3 tỷ USD năm 2014.
Năm 2015, về đầu tư, Nga có khoảng trên 100 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD, đứng thứ 17 trong 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực dầu khí, năng lượng, kể cả năng lượng nguyên tử; khai khoáng và công nghiệp chế biến…
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2 chiều Việt Nam - Nga trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 1,67 tỷ USD, tăng trưởng 26,3% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó xuất khẩu sang Nga đạt trên 1 tỷ USD (tăng 34,4%), nhập khẩu từ Nga trị giá 664,4 triệu USD (tăng 15,7%).
Hợp tác văn hóa - giáo dục, khoa học - kỹ thuật cũng phong phú, đa dạng với các ngành, các lĩnh vực khác nhau như hợp tác về giáo dục, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, điện ảnh, âm nhạc, hội họa... Nga giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ cán bộ, công nhân, chuyển giao các tài liệu kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm quản lý hoạt động khoa học - công nghệ.
Cộng đồng người Việt với gần 100.000 người hiện đang sinh sống làm ăn kinh doanh tại Nga luôn gắn bó, coi Nga là quê hương thứ hai của mình, hàng ngàn lưu học sinh Việt Nam đang đào tạo tại Nga.
Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga, giao lưu gặp gỡ thầy trò Xô - Việt, Tuần phim Nga tại Việt Nam… kết nối giữa nhân dân hai nước đã trở thành sợi dây bền chặt gắn kết hai quốc gia, góp phần không ngừng củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga.
Trong chuyến thăm Nga (11-2014), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, coi Nga là một trong những đối tác quan trọng, tin cậy hàng đầu của Việt Nam”.
Sự hợp tác đầy triển vọng
Quan hệ quân sự, quốc phòng giữa Việt Nam - Liên bang Nga có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, thực chất, nhất là trong hợp tác về đào tạo cán bộ, chuyển giao vũ khí, trang bị… Việt Nam xác định Nga là đối tác tin cậy và triển vọng nhất trong hợp tác trên lĩnh vực quân sự.
Hai bên cam kết thúc đẩy mở rộng hợp tác kỹ thuật - quân sự theo hướng: Nga sẽ bảo đảm hiện đại hóa vũ khí, trang bị các lực lượng hải quân, không quân và phòng không của Việt Nam.
Trên thực tế, Nga đã cung cấp cho Việt Nam một số vũ khí, khí tài hiện đại và cải tiến các loại trang bị quân sự mà Liên Xô cung cấp trước đây; hợp tác trong sửa chữa, tăng hạn sử dụng của vũ khí, khí tài; chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí, trang bị; trợ giúp đào tạo, huấn luyện và cử chuyên gia sang giúp Việt Nam…
Quan hệ thương mại quân sự giữa hai bên được xúc tiến mạnh mẽ, thông qua một loạt hợp đồng mua bán vũ khí có giá trị. Trong đào tạo cán bộ quân sự, hai bên đã ký hợp đồng khung về đào tạo quân nhân Việt Nam tại các trường quân sự của Nga (4-2002); thống nhất ưu tiên thúc đẩy hợp tác đào tạo quân sự (2007).
Đến nay, Việt Nam đã cử hàng trăm cán bộ và lưu học sinh quân sự sang học tập tại các trường trong và ngoài quân đội của Nga. Phía Nga cam kết tiếp tục và mở rộng đào tạo cán bộ quân sự cấp cao cho Việt Nam tại các học viện, nhà trường của Nga.