Việt Nam xúc tiến gia nhập Công ước 98 về thương lượng tập thể

Bộ LĐTB-XH đã phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam ra mắt Dự án “Thúc đẩy xây dựng khuôn khổ quan hệ lao động mới đảm bảo tôn trọng Tuyên bố của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động”. 

 

Theo đó, ILO cam kết tài trợ cho Việt Nam 4.274.109USD vốn ODA không hoàn lại, với điểm nhấn của dự án là Công ước 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể trong quan hệ lao động tại Việt Nam.

Theo Bộ LĐTB-XH, đến nay Việt Nam đã gia nhập 21 công ước của ILO; trong đó có 5/8 công ước cơ bản, còn 3 công ước cơ bản Việt Nam chưa gia nhập, gồm: Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức; Công ước 87 về quyền tự do hiệp hội và Công ước 98. Nội dung cơ bản của Công ước 98 là bảo vệ người lao động và công đoàn không bị phân biệt đối xử, không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động. Từ đó, công đoàn có thể thương lượng tập thể một cách hiệu quả nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.

Theo thống kê của Bộ LĐTB-XH, từ năm 1995 đến cuối năm 2017, Việt Nam có hơn 6.000 cuộc đình công nhưng phần lớn các cuộc đình công không phải do công đoàn khởi xướng mà do người lao động tự phát. Ở các nước, thường thương lượng không thành công mới đình công và do công đoàn tổ chức. Còn ở Việt Nam thì ngược lại, đình công tự phát trước, thương lượng tập thể sau. Điều này chứng tỏ, tổ chức công đoàn chưa thực sự được người lao động tin tưởng. Trong khi, một trong những điều kiện để Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là phải cho phép các tổ chức công đoàn độc lập cùng tham gia bảo vệ người lao động, đồng nghĩa với việc chấp nhận tham gia Công ước 98 của ILO.

Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động, xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 145/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) cũng xác định mục tiêu đến năm 2020 sẽ phê chuẩn các công ước cơ bản còn lại của ILO, trong đó có Công ước 98.

Tin cùng chuyên mục