Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên không ngừng vun đắp, củng cố và phát triển mối quan hệ đặc biệt “có một không hai” giữa hai nước, hai dân tộc Việt - Lào.
Trên tinh thần chân thành, tin cậy, trách nhiệm, hiệu quả, Việt Nam thấu hiểu, chia sẻ và sẵn sàng tiếp tục kề vai sát cánh, tích cực hợp tác, hỗ trợ Lào xử lý các vấn đề kinh tế - xã hội đặt ra trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức.
Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy các dự án hợp tác giữa hai nước, trong đó có dự án đầu tư phát triển bến cảng tại Vũng Áng để Lào sớm có đường ra biển và dự án sân bay Nỏng Khạng. Việt Nam đang tiếp tục xem xét mua điện từ các dự án của Lào.
Bộ trưởng Alounxai Sounnalath khẳng định, Lào luôn coi trọng, mong muốn giữ gìn, vun đắp và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại và đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết, sẽ tích cực triển khai các chỉ đạo, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đã dày công vun đắp ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích cho nhân dân mỗi nước.
* Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của EU
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế, Nghị viện châu Âu (EP).
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam theo đuổi đường lối chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế; Liên minh châu Âu (EU) là đối tác quan trọng của Việt Nam. Đôi bên đã thiết lập đầy đủ các khuôn khổ hợp tác về chính trị, kinh tế - thương mại - đầu tư, lâm nghiệp, hợp tác quốc phòng - an ninh; duy trì thường xuyên các kênh trao đổi, đối thoại triển khai các khuôn khổ hợp tác.
Thủ tướng đề nghị EU tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU, các nước thành viên EU sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) để thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai bên. Đề nghị EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng và tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam thực hiện các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Ông Bernd Lange khẳng định, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của EU và Nghị viện châu Âu luôn ủng hộ tăng cường hợp tác hai bên trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh EU đang triển khai nhiều chính sách hướng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đánh giá Việt Nam có môi trường đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất ổn và là điểm đến số 1 trong ASEAN với nhà đầu tư châu Âu, ông Bernd Lange nhất trí sẽ nỗ lực phối hợp sớm thúc đẩy các nước thành viên của EU thông qua hiệp định EVIPA.