Trang tin Làn sóng Đức (DW) ngày 17-4 cho biết, trong báo cáo đầu tiên liên quan cuộc khủng hoảng Covid-19, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định triển vọng của nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trên toàn thế giới trong năm 2020. Đối với châu Á, lần đầu tiên trong 60 năm qua, IMF không dự đoán khu vực vốn đạt bùng nổ kinh tế trong những năm gần đây, có thể đạt tăng trưởng. Tuy nhiên, Việt Nam lại làm khá tốt trong vấn đề kinh tế. Dù số liệu trong quý đầu tiên của năm 2020 thấp hơn dự kiến, song vẫn đạt tăng trưởng 3,82%.
Trao đổi với DW, chuyên gia về Việt Nam Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, Australia, cho rằng đây là một “thành tựu đáng chú ý”.
Ông Carl Thayer cho biết, trong khi thực hiện giãn cách xã hội cũng như áp đặt những hạn chế về giao thông công cộng để chống dịch bệnh, Việt Nam vẫn vận hành những ngành nghề then chốt. Những chuyến xe buýt vẫn chở công nhân tới nơi làm việc, trong khi xe tải vận chuyển hàng hóa vẫn được lưu thông.
Theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam, thậm chí, ngành điện tử và ngành y tế - dược phẩm vẫn đạt tăng trưởng trong quý 1-2020, tương ứng là 14% và 44%. Chính phủ Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để ngăn chặn sự sụt giảm tăng trưởng.
Theo ông Thayer, trong ngắn hạn, Việt Nam có thể thành công trong việc nỗ lực duy trì sự cân bằng rất khó khăn giữa bảo vệ sức khỏe và lợi ích kinh tế.
Về công tác phòng chống dịch, nhật báo Junge Welt (Thế giới trẻ) của Đức ngày 18-4 có bài viết lý giải việc Việt Nam kiểm soát thành công sự lây lan của dịch Covid-19.
Trong bài viết trên trang 7 chuyên mục Nước ngoài, báo Junge Welt giải thích lý do số người mắc Covid-19 ở Việt Nam ít hơn đáng kể so với nhiều nước châu Âu và Mỹ, là do chính phủ đã cách ly tập trung nhanh chóng những người nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng như áp dụng các biện pháp thích hợp trong việc cách ly các trường hợp tiếp xúc. Với chủ trương phát hiện sớm nhiều nhất có thể và cách ly kịp thời các trường hợp tiếp xúc, Việt Nam cho đến lúc này đã kiểm soát được tình hình. Dù vậy, Việt Nam vẫn duy trì những quy định nghiêm ngặt để chống dịch, như tiếp tục đóng cửa các trường học, nhà trẻ cũng như các cửa hàng, cửa hiệu, ngoại trừ những nơi bán thực phẩm và đồ thiết yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày...
Cùng ngày, trang mạng Lenta.ru của Nga có bài phân tích nhấn mạnh phản ứng của Việt Nam đối với cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 xứng đáng nhận được đánh giá cao từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Bài viết nêu bật phản ứng sớm của Việt Nam đối với khủng hoảng là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công. Lenta.ru cũng nêu rõ thành công của Việt Nam có thể được giải thích bằng sự gắn kết xã hội của người dân, thể hiện ở tính kỷ luật và sự đoàn kết, tuân thủ quy định.