Việt Nam và EU nhất trí nâng cấp quan hệ song phương

Ngày 24-10, Bộ Ngoại giao phát thông báo về kết quả Phiên họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 5 giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

Việt Nam và EU nhất trí nâng cấp quan hệ song phương

Cụ thể, Việt Nam và EU vừa tổ chức Phiên họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 5 tại Hà Nội, để rà soát quan hệ song phương và hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU.

Hai bên hoan nghênh mối quan hệ đa dạng đang trên đà phát triển mạnh mẽ, được minh chứng bằng một chương trình nghị sự sôi động bao gồm các cuộc họp và chuyến thăm, kể cả ở cấp cao nhất.

Dựa trên các cuộc tiếp xúc gần đây giữa lãnh đạo hai bên và hướng tới kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2025, Việt Nam và EU nhất trí phối hợp để nâng cấp quan hệ song phương trong thời gian tới.

Việt Nam và EU đã nhất trí thảo luận, phát triển, làm sâu sắc hợp tác trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi năng lượng công bằng và kết nối, bao gồm giao thông vận tải, chuyển đổi số, nguyên liệu thiết yếu, bán dẫn, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, giáo dục.

Sự hợp tác này có thể mở ra tiềm năng và động lực mới trong quan hệ Việt Nam - EU, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

TTA_4103-1-1.jpg
Việt Nam và EU đã tổ chức Phiên họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 5 tại Hà Nội để rà soát quan hệ song phương. Ảnh: BNG

Phiên họp Ủy ban Hỗn hợp cũng tạo điều kiện cho các cuộc trao đổi về quan hệ ASEAN - EU, cũng như về một loạt vấn đề chính trị và an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các vấn đề khác. Việt Nam và EU đã thảo luận về tình hình căng thẳng tại Trung Đông, Biển Đông và Myanmar, nhất trí về sự cần thiết phải tìm kiếm các giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Đối với vấn đề Biển Đông, hai bên bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây và tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không; nhấn mạnh sự cần thiết các bên kiềm chế và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Việt Nam và EU cũng đã thảo luận về thương mại và đầu tư, bao gồm hợp tác thuế và tái khẳng định cam kết bảo đảm thực thi Hiệp định thương mại tự do mang lại lợi ích cho cả hai bên; rà soát tiến bộ đạt được trong lĩnh vực thủy sản; mong muốn tăng cường hợp tác về kết nối và phát triển bền vững với trọng tâm là Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng; chia sẻ lập trường, mục tiêu đối với các cuộc đàm phán quốc tế sắp tới liên quan đến khí hậu, môi trường và đa dạng sinh học.

Tin cùng chuyên mục